“Cậu nhỏ” có mùi hôi có thể là dấu hiệu của nhiều căn bệnh như viêm niệu đạo, viêm quy đầu, bao quy đầu, ảnh hưởng khả năng sinh sản.
Bựa sinh dục
Bựa sinh dục hình thành từ các tế bào da chết, độ ẩm, dầu thừa, dịch thừa… tích tụ xung quanh trục dương vật mà không được vệ sinh trong thời gian dài. Nếu vệ sinh đúng cách và thường xuyên, bựa sinh dục rất ít khi xuất hiện, thường xảy ra nhiều hơn ở nam giới chưa cắt bao quy đầu.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Khi mắc nhiễm trùng đường tiết niệu, dương vật có thể có mùi hôi, tanh. Nước tiểu nặng mùi, đọng lại ở quy đầu, bao quy đầu tạo điều kiện thuận lợi phối hợp vi khuẩn, vi nấm ở xung quanh có thể tạo nên mùi hôi. Nếu nhiễm trùng đường tiết niệu, đặc biệt là đường tiết niệu dưới nhiều lần, việc tiểu phẫu cắt bao quy đầu nên được cân nhắc để tránh tái phát.
Bác sĩ Hòa tư vấn cho bệnh nhân. Ảnh:
Viêm quy đầu, bao quy đầu do nhiễm nấm
Ở dương vật, nấm gây bệnh thường gặp nhất là nấm Candida, khiến da dương vật bị tổn thương, kích ứng, ngứa rát, đi kèm với mùi hôi tanh khó chịu. Tình trạng nhiễm nấm có thể do không vệ sinh dương vật thường xuyên, đặc biệt ở các trường hợp bị hẹp, bán hẹp hoặc dài bao quy đầu.
Viêm quy đầu, bao quy đầu do vi khuẩn
Bên cạnh nấm, đặc biệt nấm Candida, viêm nhiễm do vi khuẩn nói chung cũng gây nặng mùi ở dương vật. Tình trạng viêm do vi khuẩn có triệu chứng thường nặng nề hơn, chủ yếu là đau nhức, chảy dịch, mủ ở quy đầu và bao quy đầu. Một số trường hợp nhiễm nấm bội nhiễm vi trùng.
Bệnh lậu, nhiễm Chlamydia
Quá trình ủ bệnh ở nam giới thường rơi vào khoảng 3-5 ngày, có thể kéo dài đến hai tuần. Trong thời gian này, bệnh thường không xuất hiện triệu chứng. Khi phát bệnh, dấu hiệu nhận biết là dương vật có mùi hôi hoặc các triệu chứng khác như nóng rát khi tiểu, tiểu mủ thành dòng, đau nhức, chảy máu hoặc ngứa…
Mỹ Ý