Khi đang chơi thể thao bị chuột rút, cần lập tức dừng vận động và nghỉ ngơi, thả chùng chi đang co rút để thư giãn bắp thịt, sau đó xoa bóp, có thể chườm nóng.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy, nguyên bác sĩ đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam, cho biết chuột rút (còn gọi là vọp bẻ) khi chơi thể thao là tình trạng co rút cơ đột ngột và gây đau. Chuột rút có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng, từ vô hại đến khó cử động và rất đau đớn. Vùng cơ bị chuột rút khi sờ vào thấy rất cứng do cơ co mạnh, có thể xuất hiện trong vài giây nhưng đôi khi kéo dài 15-20 phút hoặc lâu hơn.

Các vùng cơ thường bị chuột rút khi chơi thể thao là cẳng chân, bắp đùi trước và sau, cơ bụng, bàn tay, bàn chân, lưng, cánh tay…

Có 4 nguyên nhân chính gây tình trạng này, đầu tiên là người chơi không khởi động kỹ trước tập luyện làm cơ dễ bị co rút liên tục. Đây vốn là phản ứng tự nhiên của cơ thể trước sự thay đổi, vận động đột ngột. Thứ hai, vận động mạnh hoặc tập luyện quá sức làm ứ đọng axit lactic trong cơ, khiến cơ mau mệt và kích thích thần kinh tủy sống, gây co rút. Bên cạnh đó, chơi thể thao nhiều giờ liên tục và chơi trong môi trường quá nắng nóng khiến cơ thể ra nhiều mồ hôi, làm mất nước và các chất điện giải (kali, magie, calci) khiến cơ bị co rút. Cuối cùng, nghỉ tập trong thời gian quá lâu, khi tập lại các cơ chưa thích nghi kịp với cường độ tập luyện cũng gây ra tình trạng trên.

Chuột rút có thể xảy ra bất kỳ lúc nào với bất kỳ ai, gây nguy hiểm đối với một số trường hợp như đang bơi lội, đang leo núi, lái xe đường trường, thợ lặn hoặc phi công đang lái máy bay do không thể xử trí kịp.

Theo bác sĩ Thủy, khi đang vận động bất ngờ bị chuột rút sẽ rất đau bắp thịt, bởi vậy người chơi

cần lập tức dừng vận động và nghỉ ngơi

ở khu vực thoáng mát, cố gắng thả chùng chi để thư giãn bắp thịt đang bị co rút, sau đó nhẹ nhàng xoa bóp bắp cơ. Nếu có dầu nóng thì thoa dầu lên vùng da của bắp thịt đang bị co rút rồi xoa bóp, hoặc có thể chườm nóng. Nếu chuột rút ở cẳng chân, bạn nên nhẹ nhàng vươn duỗi cơ theo chiều đối ngược bằng cách kéo đầu ngón chân và bàn chân lên cao hướng về đầu gối.

Cùng với đó, cần bù nước và chất điện giải cho cơ thể. Chuột rút cũng có thể gây ra bởi sự thiếu hụt natri và kali nên hãy chuẩn bị sẵn các loại nước cung cấp điện giải như nước uống thể thao, oresol. Ăn chuối vì chúng chứa nhiều kali. Sau khi đã qua cơn đau, về nhà có thể tắm nước nóng để thư giãn bắp thịt.

Đặc biệt với người đang bơi, chuột rút làm giảm khả năng bơi lội hoặc nguy hiểm hơn là chết đuối. Nếu đang đằm mình trong dòng nước và gặp hiện tượng này, bạn cần bình tĩnh để xử lý. Trường hợp cơ bụng bị chuột rút, hãy thả lỏng cơ thể trong tư thế dang rộng tay chân. Từ từ hít sâu và dùng tay bấm các huyệt xung quanh, xoa nhẹ nhàng lên vùng chuột rút, sau đó nhờ người đưa lên bờ. Gặp chuột rút các vùng khác trên cơ thể như bắp chân, đùi… cần tìm cách lên bờ ngay để được chữa trị.

Để phòng ngừa chuột rút khi chơi thể thao, bạn nên uống nước đầy đủ, tốt nhất là các loại nước giàu chất khoáng như oresol, nước chanh đường muối… trước, trong và sau khi luyện tập. Khởi động thật tốt trước khi vận động cơ thể, tập thư giãn cơ bắp trước và sau mỗi lần tập luyện; tập vươn duỗi chân vào buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng khi thức dậy. Nếu chuột rút xảy ra nhiều lần nữa trong lúc tập luyện, hoặc kéo dài không đáp ứng với các biện pháp xử trí, nên gọi cấp cứu hoặc gặp bác sĩ chuyên khoa y học thể thao.


Thúy Quỳnh