TP HCM

Cưới hơn 2 năm chưa có tin vui, khi vợ đề nghị gặp bác sĩ nam khoa, anh Tú 30 tuổi gạt phắt vì “có bệnh gì mà chữa”.

Từng theo gợi ý của mẹ, đi thầy thuốc Đông y vài lần không hiệu quả, anh Tú càng nản. Mong có con nhưng anh Tú không muốn tiếp tục chạy chữa, cũng chưa muốn đối diện với kết quả kiểm tra tinh dịch đồ.

“Sợ anh ấy tự ái nên tôi không dám thuyết phục nhiều, tuổi cũng chưa quá lớn nên đợi một thời gian nữa hy vọng anh thay đổi, đồng ý đi khám để biết nguyên nhân”, vợ anh Tú cho biết. Chị đã đi kiểm tra phụ khoa, kết quả mọi thứ bình thường, không phát hiện các bất thường sinh sản.

Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân, cho biết năm 2019, khoa làm khảo sát về hành vi tìm kiếm dịch vụ y tế chữa vô sinh ở bệnh nhân đến chữa vô sinh nam. Đa số bệnh nhân đều chưa biết đến vấn đề vô sinh nam, không nghĩ rằng đó là bệnh lý. Trước nay họ cho rằng vô sinh là do nữ, đổ lỗi cho vợ khi không có con nên trì hoãn chạy chữa.

Vô sinh được định nghĩa là vợ chồng không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào, sau một năm chung sống, quan hệ tình dục trung bình 2-3 lần mỗi tuần mà người vợ vẫn chưa có thai. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong 100 cặp vợ chồng vô sinh, 40% do vợ, 30% do chồng, 20% do cả hai và 10% không rõ nguyên nhân. Điều này chứng tỏ tỷ lệ vô sinh do nam và do nữ tương đương nhau.

“Khi được hỏi tại sao không đi khám sớm, đa số nam giới trả lời đây là bí mật riêng tư không muốn thổ lộ, hoặc mặc cảm, không muốn chấp nhận sự thật”, bác sĩ Dũng nói. Rất ít nam giới chủ động đi khám nam khoa sau một năm không có con mà thường để trên 3-4 năm.

Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng khám, tư vấn nam khoa cho bệnh nhân. Ảnh:

Bác sĩ Dũng từng gặp nhiều bệnh nhân không chấp nhận xin tinh trùng, chỉ muốn có con của chính mình, nhưng khi chỉ định phẫu thuật thì chần chừ, lo sợ. Trong khi đó nếu người vợ có vấn đề như u nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung…, người chồng đều bảo sẽ sẵn sàng đưa vợ đi mổ ngay. “Nam giới không thực sự mạnh mẽ trong vấn đề điều trị, đôi khi đẩy áp lực cho phụ nữ”, bác sĩ Dũng chia sẻ.

Một trong những bệnh lý gây vô sinh phổ biến ở nam giới là trường hợp vô tinh. Bệnh nhân thực hiện xét nghiệm tinh dịch đồ 2 lần liên tục vẫn không tìm thấy tinh trùng trong tinh dịch, gọi là vô tinh. Kỹ thuật phẫu thuật và điều trị vô sinh hiện có những bước tiến lớn. Mỗi bệnh nhân nam được xác định nguyên nhân để có phương pháp can thiệp nội, ngoại khoa phù hợp.

Theo bác sĩ Dũng, thêm một rào cản khiến nhiều nam giới e ngại đi khám là do nhận thức sai về chi phí điều trị, lầm tưởng giữa thụ tinh ống nghiệm và điều trị vô sinh nam. Chi phí thụ tinh ống nghiệm thường rất cao, trong khi phí phẫu thuật nối ống dẫn tinh trong trường hợp vô tinh bế tắc chỉ khoảng 10-11 triệu.

Tỷ lệ có tinh trùng trở lại trong vòng 3-6 tháng ở bệnh nhân vô tinh điều trị tại khoa trung bình khoảng 45%. Nếu sau phẫu thuật một năm vẫn không có tinh trùng, có thể tính đến phương án vi phẫu tích mô tinh hoàn để phân lập tinh trùng, chi phí khoảng 7-8 triệu đồng.

“Bệnh nhân có tâm lý nóng vội, mong muốn vừa phẫu thuật xong thì vợ có thể mang thai, là không thể được”, bác sĩ Dũng phân tích. Để tạo mới tinh trùng hoàn chỉnh phải đợi ít nhất 90 ngày sau phẫu thuật. Tâm lý nóng vội còn khiến nam giới tìm các phương pháp đốt cháy giai đoạn, mua các sản phẩm theo quảng cáo, gây tốn kém mà không hiệu quả.

Bệnh nhân vô sinh nam thường tuân thủ điều trị kém hơn nữ nên hiệu quả còn chưa cao. Nhiều người vẫn hút thuốc lá ảnh hưởng đến việc sinh tổng hợp tinh trùng, không tái khám theo hẹn, chế độ ăn uống, sinh hoạt không điều độ, uống nhiều bia rượu…


Lê Phương