Việt Nam đang đứng vị trí thứ 4 trong số 185 quốc gia, vùng lãnh thổ về tỷ lệ ung thư gan, với 25.000 ca mắc mới mỗi năm.
20 năm trước Việt Nam chỉ ghi nhận 5.700 ca ung thư gan. Ngày nay bệnh
thường gặp ở lứa tuổi 30 – 40 thay vì 50 – 60 tuổi như trước đây. Số bệnh nhân nam cũng chiếm đa số. Nguyên nhân dẫn đến trẻ hóa ung thư gan liên quan đến môi trường sống như hút thuốc lá, uống rượu quá sớm, dinh dưỡng không hợp lý, ô nhiễm môi trường; lối sống tĩnh lại, lười vận động, không thường xuyên tập thể dục tăng sức đề kháng.
Nam giới Việt Nam uống nhiều rượu bia, là yếu tố nguy cơ chính gây bệnh. Trung bình mỗi người Việt trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất trong một năm. Trong khi, Cục Y tế Dự Phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, không có một ngưỡng uống rượu bia nào được coi là an toàn. Mỗi ngày, nam giới không nên uống quá hai đơn vị cồn, nữ không nên quá một đơn vị và không uống quá năm ngày trong một tuần. Một đơn vị cồn theo cách tính của Tổ chức Y tế Thế giới bằng 10 g cồn nguyên chất, tương đương với 3/4 chai bia 330 ml, một ly rượu vang 100 ml hoặc một chén rượu mạnh 30 ml.
Ung thư gan tiến triển thầm lặng, ban đầu không có triệu chứng. Sau đó xuất hiện các triệu chứng khá mờ nhạt, dễ nhầm lẫn như cảm giác ăn không ngon, khó tiêu, mệt, nặng ở dưới bờ sườn bên phải. Bệnh nhân đến gặp bác sĩ thường ở giai đoạn trễ, có các triệu chứng như bụng trướng nước, không thèm ăn, mệt mỏi, vàng da…
Ung thư gan thường gặp ở người nhiễm viêm gan B và C, lạm dụng rượu, ăn thực phẩm chứa nấm mốc, các bệnh chuyển hóa như gan nhiễm mỡ, đái tháo đường…
Khối u ác tính (màu tím) trong gan bệnh nhân ung thư. Ảnh:
Sau nhiều năm đứng ở vị trí thứ 2, hiện ung thư gan đã vượt qua ung thư phổi, vươn lên vị trí số một về tỷ lệ mắc mới ở Việt Nam. Số ca tử vong vì ung thư gan tại nước ta tương đương với ca mắc mới, cho thấy tỷ lệ chữa khỏi căn bệnh này rất thấp.
Giáo sư Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K lý giải, sở dĩ bệnh nhân ung thư gan dễ tử vong do có tới 80-90% đến viện khi đã ở giai đoạn muộn, lúc này các biện pháp can thiệp, điều trị rất hạn chế. Trong khi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, tiên lượng điều trị rất tốt.
Để điều trị ung thư gan, ngoài các phương pháp truyền thống như phẫu thuật, xạ trị, hoá trị, dùng thuốc nhắm trúng đích, hiện có thêm các phương pháp nút mạch, đốt sóng cao tần, đốt u bằng vi sóng, điện đông, tiêm cồn tuyệt đối qua da, ghép gan…
Ung thư gan ở Việt Nam gia tăng nhanh và tỷ lệ tử vong cao là do việc chích ngừa viêm gan B chưa đầy đủ. Người dân chưa có ý thức tầm soát ung thư gan định kỳ, đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ cao như nhiễm siêu vi viêm gan B, C, nghiện rượu, gia đình có người ung thư gan…
Bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện mắc viêm gan B, C, xơ gan cần đến viện điều trị không nên tự điều trị tại nhà bằng phương pháp dân gian khiến bệnh nặng hơn, thậm chí không còn khả năng điều trị.
Lê Nga