Hà Nội
Bé trai 13 tuổi, sưng đau vùng bìu trái ba ngày không đỡ, khi vào viện thì tinh hoàn đã hoại tử, tím đen, phải cắt bỏ.
Ba ngày sau cơn đau tăng dần, bệnh nhi nhập viện, kết quả khám cho thấy tinh hoàn trái bị tím đen hoàn toàn, phải mổ cấp cứu. Kíp mổ tháo xoắn tinh hoàn trái, dùng nước ấm chườm, cung cấp máu nhưng tinh hoàn vẫn tím đen không hồi phục, phải cắt bỏ.
Xoắn tinh hoàn là hiện tượng thừng tinh bị xoắn quanh trục của nó, gây tắc nghẽn mạch máu nuôi tinh hoàn, dẫn đến phù nề, sung huyết và hoại tử tinh hoàn. Xoắn tinh hoàn có thể gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó 50% ở độ tuổi 16-21. Nguyên nhân gây bệnh do bất thường dây chằng bìu tinh hoàn.
Dấu hiệu thường gặp là đau dữ dội, đột ngột ở một bên hoặc hai bên bìu, một số trẻ có kèm theo đau bụng dưới, buồn nôn và nôn (trẻ sơ sinh chỉ có quấy khóc, bỏ bú, phù nề và đỏ da bìu); trẻ đau, sưng vùng nếp bẹn bên không có tinh hoàn kèm đau vùng bụng dưới (ở bệnh nhi tinh hoàn ẩn). Nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì bìu sưng tím và rất đau.
Nhiều trẻ xoắn tinh hoàn phát hiện muộn, khi đến bệnh viện thì tinh hoàn đã bị hoại tử và buộc phải cắt bỏ. Trẻ bị cắt bỏ một tinh hoàn sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản do thiếu hụt nội tiết tố nam. Thông thường với trường hợp xoắn tinh hoàn, phẫu thuật gỡ xoắn là phương pháp phổ biến và tối ưu, có thể xử lý triệt để bệnh lý, thời gian hồi phục hậu phẫu ngắn.
Thời gian vàng điều trị xoắn tinh hoàn là trong 6 giờ đầu tiên tính từ lúc có biểu hiện đau. Nếu can thiệp trước 6 giờ, 100% bệnh nhân được cứu tinh hoàn. Đến viện trong khoảng 6-12 giờ, khả năng cứu được tinh hoàn còn 50%, trong khoảng 12-24 giờ chỉ còn 20% khả năng. Đến viện sau 24 giờ sẽ không cứu được tinh hoàn.
Bác sĩ khuyến cáo, nam giới có dấu hiệu đau vùng bìu một bên nên nhanh chóng đến bệnh viện để thăm khám. Đặc biệt với bé nam, bố mẹ cần dặn dò các em những bất thường để phát hiện, chẩn đoán và xử trí kịp thời. Bệnh không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng ảnh hưởng sức khỏe sinh sản sau này.
Thúy Quỳnh