Nghiên cứu tiến hành trong 5 năm với gần 1.200 nam giới Việt cho thấy tình trạng thừa cân béo phì có liên quan đến giảm thể tích tinh dịch và tổng số tinh trùng.
vừa được nhóm tác giả báo cáo tại Hội nghị khoa học toàn quốc năm 2022. Theo đó, nghiên cứu này được nhóm tác giả tiến hành trong thời gian từ tháng 1/2017 đến tháng 12/2021, với 1.144 bệnh nhân nam đến khám và tư vấn tại khoa Nam học và y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Nam giới trong nghiên cứu có độ tuổi từ 17 đến 60. Họ được khai thác thông tin về bệnh sử, khám lâm sàng thường quy, xét nghiệm đánh giá các thông số tinh dịch đồ, sinh hóa máu và nồng độ nội tiết tố. Trước khi xét nghiệm, họ kiêng xuất tinh 3-5 ngày; đo chiều cao, cân nặng cùng thời điểm xét nghiệm máu.N
Người vô sinh hoặc giảm chất lượng tinh trùng do nguyên nhân tắc nghẽn đường dẫn tinh, mắc các bệnh lý ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng, không tham gia nghiên cứu.
Nhóm nghiên cứu ghi nhận mối tương quan giữa chỉ số BMI và tổng số, tỷ lệ sống và tỷ lệ di động tinh trùng. Trong đó, thể tích tinh dịch ở nhóm có cân nặng bình thường đạt 3,37 ml. Với nhóm thừa cân, chỉ số này ở mức 3 ml. Về tổng số lượng tinh trùng, nhóm có cân nặng bình thường đạt 281,39 triệu, cao hơn đáng kể so với nhóm thừa cân (225,07 triệu). Cùng đó, tỷ lệ tinh trùng sống ở người có chỉ số cân nặng bình thường là 84,11% so với 83,62% ở nhóm người thừa cân béo phì.
Bác sĩ Bệnh viện Việt Đức khám cho một bệnh nhân béo phì. Ảnh:
TS Nguyễn Hoài Bắc, Trưởng khoa Nam học và y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết kết quả nghiên cứu cho thấy tình trạng thừa cân béo phì có liên quan với tình trạng giảm thể tích tinh dịch cũng như giảm tổng số tinh trùng ở nam giới Việt Nam.
Bên cạnh đó, tuổi cao ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết khía cạnh đánh giá chất lượng tinh trùng trên tinh dịch đồ như giảm thể tích, giảm tổng số lượng, giảm tỷ lệ tinh trùng hình thái bình thường…
Theo các bác sĩ, hiện nay trên thế giới ước tính có khoảng trên 70 triệu cặp vợ chồng hiếm muộn, trong đó khoảng 50% liên quan đến khả năng sinh sản của nam giới. Một số yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng nam giới đã được nghiên cứu trong những năm gần đây như tuổi, chỉ số khối cơ thể, tình trạng mắc các bệnh kèm theo như đái tháo đường, gout…
Chỉ số khối cơ thể (BMI) là một trong những chỉ số cơ bản và thông dụng nhất để đánh giá tình trạng cân nặng của bệnh nhân. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), BMI dưới 18,5 là cân nặng thấp; từ 18,5 đến 25 là cân nặng bình thường; trên 25 là thừa cân, béo phì.
Tại Việt Nam, tỷ lệ béo phì gia tăng nhanh tại Việt Nam, từ 2,6% năm 2010 lên đến 3,6% năm 2014 – tương đương với tốc độ tăng là 38%. Một thống kê năm 2021 cho thấy tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Hà Nội và TP HCM chiếm 18% tổng số người thừa cân, béo phì trên toàn quốc.
Theo các chuyên gia, cơ thể quá nhiều chất béo có thể tác động tiêu cực đến nội tiết tố nam giới. Chỉ số BMI càng cao thì lượng testosterone và các hormone sinh sản khác đều giảm. Mỡ thừa xung quanh vùng bẹn và đùi trong cũng làm tăng nhiệt độ vùng bìu, ảnh hưởng tới quá trình sản xuất tinh trùng.
Đàn ông béo phì được khuyến cáo giảm cân để duy trì chỉ số BMI tốt, bằng cách tập các bài tập giúp cơ thể đốt cháy calo, tiêu giảm mỡ thừa; thay đổi chế độ ăn và hạn chế chất kích thích, đồ uống có cồn. Các chuyên gia cũng khuyến cáo nam giới béo phì nên đi phân tích tinh dịch đồ nếu quan hệ bình thường với vợ trong vòng 6 tháng mà chưa thụ thai.
Lê Nga