Người đàn ông 39 tuổi, chưa lập gia đình, bị viêm tinh hoàn trái song bác sĩ chẩn đoán là viêm dạ dày, đến khi xác định xoắn thừng tinh thì đã muộn.
Trước đó anh đau âm ỉ vùng bụng quanh rốn, nghĩ bị bệnh đường ruột nên khám tại một phòng khám tư. Tại đây, anh được bác sĩ chẩn đoán viêm dạ dày, kê đơn thuốc kháng sinh, giảm đau, bảo vệ niêm mạc dạ dày. Sau khi dùng thuốc, anh vẫn tiếp tục đau bụng, lan xuống tinh hoàn. Ngày 15/2, anh đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Bắc, Trưởng khoa Nam học và Y học giới tính, chẩn đoán bệnh nhân bị xoắn thừng tinh bên trái ngày thứ hai, hoại tử nên phải mổ cắt bỏ tinh hoàn. Sau mổ một tháng, người bệnh tái khám để đặt tinh hoàn nhân tạo.
Cắt bỏ tinh hoàn không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cơ thể, song ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe sinh sản và tình dục của người đàn ông.
Xoắn tinh hoàn là bệnh lý cấp cứu ngoại khoa do thừng tinh bị xoắn vặn nhiều vòng làm mất nguồn máu nuôi dưỡng tinh hoàn, dẫn đến thiếu máu và hoại tử.
Bệnh có thể gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau, phổ biến nhất là độ tuổi dậy thì từ 13 đến 19 tuổi. Thông thường, biểu hiện của bệnh là các cơn đau đột ngột, dữ dội, cấp tính ở bên tinh hoàn bị xoắn. Tuy nhiên, một số trường hợp khởi điểm của cơn đau không xuất phát từ tinh hoàn mà là vùng bụng như trường hợp nói trên, khiến cả người bệnh và bác sĩ chủ quan.
Xoắn thừng tinh phát hiện sớm, phẫu thuật kịp thời, tinh hoàn của bệnh nhân sẽ được cứu. Thời gian thiếu máu lâu, tinh hoàn hoại tử nhiều hơn. Bệnh nhân đến viện trước 6 giờ kể từ khi có triệu chứng đau cấp tính thì khả năng giữ được tinh hoàn là 95%. Quá 24 giờ, khả năng bảo tồn chỉ còn khoảng 10%.
Thùy An