Hà Nội
Lo ngại thiếu một bên tinh hoàn sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, nam thanh niên 21 tuổi đến viện khám theo lời khuyên của bạn gái.
Khám tại Khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh nhân cho biết không có một bên tinh hoàn trái từ thuở bé song nghĩ không nghiêm trọng nên cứ để phát triển tự nhiên. Đến khi có bạn gái, sợ ảnh hưởng đến chức năng sinh sản, nên anh mới đến viện để kiểm tra.
Bác sĩ Trần Văn Kiên, Khoa Nam học và Y học giới tính, ngày 22/3 cho biết người bệnh bị ẩn một bên tinh hoàn trái trong ổ bụng. Bệnh nhân được can thiệp mổ hạ tinh hoàn xuống bìu để tránh nguy cơ và biến chứng sau này.
Sau 40 phút mổ nội soi, tinh hoàn của bệnh nhân đã nằm đúng vị trí. Bệnh nhân đã ổn định, xuất viện sau mổ một ngày.
Bác sĩ khoa Nam học và Y học giới tính đang thăm khám cho người bệnh. Ảnh:
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoài Bắc, Trưởng khoa Nam học và Y học giới tính, cho biết
ẩn tinh hoàn
là một dị tật bẩm sinh khiến một hoặc hai bên tinh hoàn không nằm ở bìu mà ở vị trí bất thường khác như lỗ bẹn sâu hoặc trong ổ bụng.
Khoảng 3-5% bé trai sinh đủ tháng mắc ẩn tinh hoàn. Trung bình cứ 100 trẻ thì khoảng 4 bé mắc, 30 đến 45% trẻ sinh non bị dị tật này. Ở độ tuổi 6 tháng đến một năm tuổi và lớn hơn, tỷ lệ trẻ bệnh xấp xỉ 1%. Trường hợp ẩn tinh hoàn một bên nhiều gấp 4 lần so với ẩn hai bên. Cụ thể, tinh hoàn ẩn hai bên chiếm 23% trường hợp, tinh hoàn phải ẩn 46%, tinh hoàn trái ẩn 31%.
Một số yếu tố nguy cơ như trẻ đẻ non tháng, nhẹ cân; tiền sử trong gia đình có cha, anh, em bị ẩn tinh hoàn; tuổi mẹ cao; mẹ mang thai nhiều lần hoặc mắc bệnh lý mạn tính; mẹ hút thuốc lá, sử dụng đồ uống có cồn hoặc caffeine trong quá trình mang thai hay phơi nhiễm với các hóa chất ảnh hưởng đến nội tiết.
Biến chứng thường gặp
Tinh hoàn có hai vai trò chính là sản xuất nội tiết tố nam và sản xuất tinh trùng. Ở trẻ sơ sinh và trẻ trước độ tuổi dậy, vai trò của tinh hoàn đối với cơ thể là rất hạn chế. Do đó, tinh hoàn ẩn trong giai đoạn này gần như không ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất, cũng như trí tuệ của trẻ.
“Trẻ bị ẩn tinh hoàn vẫn phát triển bình thường như bao trẻ khác, nhưng nó sẽ để lại nhiều hậu quả và biến chứng khi đến tuổi dậy thì và trưởng thành”, bác sĩ cho biết.
Tinh hoàn nằm ở vị trí ống bẹn có nguy cơ chấn thương nhiều hơn khi bị va chạm so với tinh hoàn nằm trong bìu. Khi tinh hoàn không được cố định ở bìu, dễ dàng di động, nguy cơ xoắn cao gấp 10 lần bình thường.
Trẻ bị tinh hoàn ẩn nếu không điều trị, khi lớn lên so sánh với trẻ khác sẽ thấy thiếu hụt nam tính, lo lắng về thẩm mỹ, tương lai. Trẻ tự ti, mặc cảm, lo lắng, trầm cảm.
Bác sĩ khuyến cáo dị tật tinh hoàn ẩn cần được phát hiện sớm và điều trị khi bé được một tuổi. Sau một tuổi, tinh hoàn ẩn không thể tự di chuyển xuống được mà bắt đầu có sự thay đổi về cấu trúc và chức năng theo hướng xấu đi, bắt buộc phải phẫu thuật.
Phụ huynh nếu nghi ngờ trẻ bị tinh hoàn ẩn nên đưa đến bệnh viện khám, điều trị, giúp trẻ phát triển bình thường như bao trẻ khác.
Thùy An