Một người mẹ lo lắng đưa con gái đến gặp tôi vì cô bé có người yêu, hai đứa rất quấn quýt, không còn chú ý tới học hành, và có những biểu hiện lạ.
Chị kể trong nhiều năm dạy học phổ thông, chị từng chứng kiến những nữ sinh quan hệ tình dục sớm rồi lỡ có thai, phải dừng học ở nhà nuôi con, mất đi cơ hội phát triển bản thân. Những em khác chọn cách nạo phá thai, gây tổn thương tâm lý và thể chất. Cá biệt, có nữ sinh mang thai nhưng không được bạn trai thừa nhận, đã chọn cách kết thúc cuộc sống.
Vì thế, chị mang nỗi ám ảnh dai dẳng khi con gái bắt đầu lớn, đặc biệt là từ khi cháu có bạn trai. Người mẹ chỉ muốn tôi trò chuyện, giúp con hiểu sự khác nhau giữa tình bạn, tình yêu, tình dục và các khả năng con phải đối diện nếu xảy ra chuyện ngoài ý muốn. Cháu thường lảng tránh mỗi khi chị bắt đầu câu chuyện với giọng điệu khuyên nhủ.
Nỗi lo của chị không xa xôi. Một nghiên cứu được Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố ngày 25/4 cho thấy
tỷ lệ quan hệ tình dục trước 14 tuổi ở học sinh Việt Nam tăng gấp hai lần, từ 1,45% (năm 2013) lên 3,51% (năm 2019). Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai giảm đi.
Bản năng duy trì nòi giống đã được lập trình sẵn trong con người. Khi trẻ bước vào tuổi dậy thì, tuyến yên phát tín hiệu tới các tuyến sinh dục, khởi động khả năng sinh sản, phóng thích các hormone testosterone và oestrogen, dần hoàn thiện chức năng sinh sản, thôi thúc mỗi người tìm kiếm người kết đôi để duy trì nòi giống.
Nhưng quan hệ tình dục trước 14 tuổi là quá sớm, sẽ để lại những hệ lụy khôn lường. Trẻ vị thành niên đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ để hoàn thiện cơ thể và chức năng sinh sản. Khi quan hệ tình dục sớm, nhất là với những trẻ có thai ở tuổi dậy thì, khả năng phát triển tối đa chiều cao và hoàn thiện chức năng sinh lý bị ảnh hưởng, gây lão hóa sớm hơn.
Cơ thể chưa hoàn thiện và ổn định, trẻ có thể gặp những hậu quả nghiêm trọng về thể chất khi mang thai, thậm chí gây tử vong. Con sinh ra từ mẹ tuổi vị thành niên cũng có nhiều tiên lượng xấu hơn như đẻ non, nhẹ cân, dị tật bẩm sinh, dễ tử vong sớm sau sinh. Việc nạo phá thai, dùng thuốc tránh thai khẩn cấp có thể dẫn đến vô sinh, gây tổn thương thể chất, tâm thần lâu dài đến người mẹ.
Đa số cha mẹ đều biết điều đó không tốt cho trẻ nhưng gặp khó khăn trong việc giúp con hiểu. Một số phụ huynh chia sẻ với tôi, họ gần như bất lực nên đã chủ động mua bao cao su cho con để tránh việc mang thai ngoài ý muốn. Nhưng việc này là “con dao hai lưỡi”. Đứa trẻ có thể hiểu nhầm thông điệp, rằng đó là hành vi “bật đèn xanh” của bố mẹ cho việc quan hệ sớm của mình.
Một nam sinh nghiện sex suốt nhiều năm – đến mức suy giảm chức năng cơ thể và thần kinh, rối loạn tâm lý, ảo giác, ảo thanh, phải bỏ dở việc học – từng được mẹ đưa đến gặp tôi trị liệu. Tôi từng bước giúp em thay đổi thói quen, rèn luyện để lấy lại chức năng hoạt động hiệu quả cho hệ thần kinh và cơ thể – một quá trình mất rất nhiều thời gian và nỗ lực của cả hai phía.
Quan hệ tình dục là hoạt động có khả năng gây nghiện. Quan hệ tình dục sớm càng dễ nghiện. Khi đó, trẻ có thể dễ dãi chấp nhận quan hệ với người khác hơn, dễ lạm dụng tình dục và dễ bị lạm dụng.
Những trẻ yêu và quan hệ tình dục sớm dễ có nguy cơ tổn thương tâm lý. Chưa có đủ nhận thức và kỹ năng quản trị mối quan hệ, nên dễ có những suy nghĩ, cảm xúc, hành vi tiêu cực đối với bản thân và người khác khi chuyện tình cảm không như ý. Các em cũng dễ lơ là học tập trong giai đoạn chuẩn bị nền tảng kiến thức đảm bảo khả năng làm việc và phát triển cuộc sống sau này.
Một chương trình giáo dục giới tính, tình dục toàn diện, phù hợp lứa tuổi, từ mầm non đến cấp 3, được khuyến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai kịp thời. Nhưng thay vì phó mặc cho nhà trường, gần trẻ hơn cả, sự chia sẻ trong gia đình là điều cần thiết và hữu ích hơn hết. Ngay cả khi không có kiến thức tâm sinh lý, tình dục như một chuyên gia, cha mẹ vẫn hoàn toàn biết cách giải tỏa, chuyển hóa những năng lượng sinh lý bằng các hoạt động lành mạnh.
Một trong những rào cản của giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên là nỗi e ngại “vẽ đường cho hươu chạy”, nhưng với những vấn đề mang tính bản năng, không được vẽ, trẻ cũng sẽ “tự chạy”.
Thà rằng chúng được vẽ đến nơi đến chốn, để biết lúc nào mới nên chạy và chạy sao cho đúng đường.
Trần Kim Thành