Ngô Thị Phương Lê

Tiến sĩ Giáo dục ngôn ngữ

Vài năm trước, vào một tối tháng 9, vợ chồng tôi bất ngờ nhận được email thông báo một giám đốc bị cách chức do những cáo buộc về quấy rối tình dục nhân viên.

Người gửi – giám đốc một trung tâm nghiên cứu thuộc hệ thống trường đại học nơi chúng tôi công tác – cho biết quyết định do Bộ Giáo dục đưa ra. Nhưng ông ta khẳng định mình vô tội, sẽ tìm cách chứng minh sự trong sạch bằng mọi giá.

Sự việc bắt đầu từ tháng 4 khi ông bị đồng nghiệp tố cáo có hành vi quấy rối đạo đức và tình dục nhân viên nữ. Người lên tiếng không phải là nạn nhân, mà là một đồng nghiệp chung của hai người. Nhà trường kết hợp cùng Bộ Giáo dục mở một cuộc điều tra và có báo cáo vào tháng 8, nhưng không kèm theo quyết định nào.

Sự im lặng kéo dài khiến giáo viên, nhân viên và sinh viên bất bình. Họ đình công, biểu tình, và tuyên bố không lên lớp để khai giảng năm học mới nếu trường không có quyết định rõ ràng. Họ cho rằng nếu không có gì thay đổi, họ sẽ không cảm thấy an tâm làm việc và học tập tại đó nữa. Sức ép này đã dẫn đến các quyết định như được thông báo trong email kể trên.

Kể từ bức thư “tuyên bố chứng minh trong sạch” tới nay đã gần hai năm, chúng tôi không nhận được thêm thông báo nào nữa. Viện nghiên cứu này cũng đã có giám đốc mới.

Sau sự việc, nhà trường mở một cuộc điều tra trên diện rộng, khuyến khích sinh viên, giáo viên và nhân viên chia sẻ nếu họ đã gặp phải chuyện tương tự trong trường.

Đó là lần đầu tiên tôi biết kỹ càng về một tình huống quấy rối tình dục cụ thể, diễn ra ngay tại môi trường mình làm việc, chứ không phải trong sách vở hay các tài liệu tập huấn.

Tôi còn nhớ mình đã ngạc nhiên tới mức nào khi đọc tiểu thuyết

của nhà văn J. M Coetzee về mối tình ngang trái giữa vị giáo sư đại học da trắng và cô sinh viên. Ông giáo sư bị cách chức, bị khinh bỉ và kết quả là thân bại danh liệt, rời thành phố về nông thôn sống cùng con gái. Đây không phải là phần chính của cuốn sách, nhưng trong não trạng của một cô gái trẻ, từng lớn lên trong môi trường mà chuyện giảng viên yêu sinh viên không có gì lạ, thì tình tiết này thực sự không hiểu được.

Nhưng khi được tiếp cận đầy đủ kiến thức, tôi nhận ra, việc hẹn hò giữa giảng viên đại học và sinh viên trong câu chuyện này là vi phạm. Bởi giữa hai đối tượng không có sự bình đẳng quyền lợi và quyền lực. Tình thế chênh lệch này có thể dẫn đến sự lạm dụng quyền lực, tạo ra một môi trường không công bằng, lành mạnh. Nguyên tắc cấm giảng viên đại học hẹn hò với sinh viên thường được thiết lập để bảo vệ tính chuyên nghiệp, đạo đức và sức khỏe tinh thần của cả hai bên trong mối quan hệ giáo dục.

Quy tắc tương tự cũng được áp dụng đối với quản lý và nhân viên trong nhiều môi trường công sở. Nghĩa là, quản lý trực tiếp không được hẹn hò với cấp dưới. Nếu muốn hẹn hò, một trong hai người phải chuyển sang bộ phận khác hoặc công ty khác để tránh mâu thuẫn về quyền lợi.

Dù vậy, hiện tượng quấy rối tình dục nơi công sở vẫn tồn tại. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã thực hiện một nghiên cứu trên 4,5 triệu nhân viên Pháp từ năm 2017 đến 2019. Kết quả cho thấy 52% phụ nữ là nạn nhân của quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Với nam giới, con số này là 27%. Tuy nhiên chỉ 4% phụ nữ nộp đơn khiếu nại, so với 10% nam giới.

Người phát ngôn của Hiệp hội nữ quyền Osez giải thích trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Đó không chỉ là vấn đề của nước Pháp. Khi nạn nhân khiếu nại, chúng tôi chuyển cảm giác tội lỗi sang họ. Chúng tôi đặt bóng ma tố cáo vu khống lên phụ nữ, chúng tôi xem xét kỹ lưỡng cuộc sống của họ để xem liệu họ có vì mục đích nào khác hay không. Cuối cùng, chúng tôi yêu cầu họ chứng minh những gì họ đã phải chịu đựng”.

Trong thời gian ngắn làm việc tại Việt Nam, tôi cũng từng không thoải mái với những chuyện đùa cợt liên quan tới hình thể hay tình dục. Hoạt động, trò chơi trong những dịp “team-building” của công ty cũng thường ít nhiều ám chỉ tới điều này. Nhiều người

dễ dãi coi là trò đùa

mà ít cảm thấy điều đó đang khiến cho môi trường trở nên thiếu lành mạnh. Cũng có người không thoải mái, nhưng không dám phản ứng, sợ bị cho là không hòa đồng, hoặc đang làm quá lên. Những hành vi như khoác vai, chạm eo nếu bị phản ứng, thường được bào chữa bằng lý do “thân thiết, quý mến”.

Ngay trước khi sự việc của vị giám đốc trên vỡ lở, chúng tôi vừa được tham gia một khóa tập huấn về đạo đức nghề nghiệp trước năm học mới. Đây là khóa học bắt buộc cho các giáo viên mới vào trường.

Một phần quan trọng của khóa tập huấn là về quấy rối tình dục, thế nào được xem là quấy rối và làm thế nào để tránh vô tình bị xem là quấy rối nơi công sở. Chương trình kéo dài một tuần với nhiều bài tập tình huống. Cuối khóa, người hướng dẫn tóm gọn lại mấy điều: những chỗ nhạy cảm, xin đừng đụng chạm; nói chuyện nơi công sở, xin chớ cợt nhả – ngay cả khen nhân viên nữ thật quyến rũ cũng không nên; nơi văn phòng, chớ treo hình ảnh gợi cảm; với sinh viên, đừng mời đi uống cà phê hay xem phim; và đặc biệt, im lặng không có nghĩa là đồng ý.

Những khóa tập huấn về xâm hại, quấy rối tình dục bằng lời nói, hành vi không thể ngay lập tức thay đổi nhận thức, hành vi của nhiều người, nhưng rất cần thiết. Đối với nạn quấy rối tình dục, phòng vẫn hơn chống. Bởi việc thu thập bằng chứng không hề dễ dàng, kể cả nếu có, nạn nhân cũng chưa chắc đủ dũng cảm lên tiếng. Bởi một khi nói ra, họ không thể lường hết những gì mình sẽ nhận lại. Đôi khi họ còn bị kết tội ngược bằng những câu hỏi xát muối “không có lửa làm sao có khói?”.

Những hành vi mang danh nghĩa “quý mến”, như bàn tay vô tình đặt lên đùi, vài lời cợt nhả, hay cái nhìn chòng chọc vào nơi nhạy cảm… có thể ám ảnh, giày vò một con người tới hết cuộc đời.


Ngô Thị Phương Lê