Một tuần sau khi đến cơ sở xăm hình nghệ thuật để cắt bao quy đầu, người đàn ông 38 tuổi, ở Hải Phòng, vào viện vì vết mổ bị toác, rách da, chảy máu liên tục.
Ngày 2/9, các bác sĩ tại Trung tâm Nam học, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức (Hà Nội), xác định vị trí chảy máu liên tục từ vết cắt bao quy đầu. Bệnh nhân sau đó được cắt lọc da, làm sạch vết mổ và tạo hình lại bằng vạt da kề cận. Hiện tình trạng vết mổ đã ổn định.
Tại Trung tâm Nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các bác sĩ đã tiếp nhận nhiều trường hợp chảy máu, nhiễm trùng, vết thương khó liền… do thực hiện thủ thuật cắt bao quy đầu tại nơi không có chuyên môn, thậm chí có người mua dụng cụ về nhà để tự cắt. Bệnh nhân này may mắn vì được các bác sĩ cấp cứu kịp thời nên không có biến chứng.
Phó giáo sư Nguyễn Quang, Giám đốc Trung tâm, cho biết hẹp bao quy đầu làm ứ đọng nước tiểu, tạo điều kiện cho vi khuẩn và virus phát triển, lâu dần phát triển thành tế bào ung thư. Hẹp khít bao quy đầu trong thời gian dài không đi khám, đến khi phát hiện bất thường thì bệnh đã tiến triển nặng.
Thông thường 80% trẻ 9-10 tuổi bao quy đầu sẽ tự tuột. Trường hợp bao quy đầu hẹp, cha mẹ cần đưa trẻ đi cắt bao quy đầu càng sớm càng tốt để đảm bảo vệ sinh, phòng tránh nguy cơ ung thư dương vật.
Bác sĩ khuyến cáo người bệnh không nên thực hiện các thủ thuật xâm lấn tại những cơ sở kém uy tín. Những thủ thuật tưởng chừng rất đơn giản nhưng nếu không đảm bảo vô khuẩn, không có chuyên môn về ngành y sẽ rất dễ dẫn đến những tai biến trong và sau khi thực hiện thủ thuật.
Lê Nga