Bùi Minh Đức

Chuyên viên truyền thông

Series phim nổi tiếng gần đây “Anatomy of a Scandal” đề cập tới một trong những vấn đề quan trọng xoay quanh câu chuyện tình dục: Sự đồng thuận.

Một chính trị gia quan hệ tình dục với nhân viên nữ – vốn là tình nhân của ông – trong thang máy, sau đó bị khởi kiện ra tòa. Bộ phim tập trung vào những tranh biện quanh việc chính trị gia có tội hay không, trong đó mấu chốt là xác định xem hoạt động tình dục giữa hai người diễn ra trong sự đồng thuận hay phản đối của cô gái. Cuối cùng, tòa tuyên chính trị gia vô tội vì cô gái đã không nói “không” khi người đàn ông thực hiện hoạt động tình dục.

Bộ phim phản ánh thực tế, cáo buộc tấn công tình dục là vấn đề khó xác định; trong đó “sự đồng thuận” được coi là căn cứ pháp lý quan trọng để luận tội.

Tình dục đồng thuận là việc thực hiện các hoạt động tình dục dựa trên sự đồng thuận mang tính tự nguyện của những người tham gia, được đưa ra trên cơ sở người tham gia có đủ năng lực và sức khỏe để quyết định. Sự đồng thuận cần được duy trì trong suốt quá trình thực hiện hoạt động tình dục.

Một người không thể đưa ra sự “đồng thuận” khi họ không tỉnh táo do sử dụng rượu hay chất kích thích, bị đe dọa bằng sức mạnh hay vũ lực và cảm thấy sợ hãi…

Một số ngụy biện phổ biến của nam giới là “cô ấy phản ứng trước kích thích” (và coi đó như một sự đồng thuận ngầm) hay “cô ấy không chống trả” (và cho rằng đó là sự đồng thuận). Trên thực tế, phản ứng trước những kích thích tình dục có thể liên quan tới cơ chế sinh học của cơ thể. Việc không chống trả có thể do nạn nhân quá sợ hãi, cơ thể chưa kịp phản ứng để quyết định. Cả hai trường hợp trên vẫn có thể được xem xét là dấu hiệu của hành vi xâm hại tình dục hay hiếp dâm.

Tại Việt Nam, quấy rối, tấn công tình dục diễn ra khá phổ biến. Một khảo sát của ActionAid năm 2015 cho thấy, 87% phụ nữ ở Việt Nam từng bị quấy rối nơi công cộng, cao hơn nhiều quốc gia châu Á như Ấn Độ (79%), Campuchia (77%), Bangladesh (57%). Điều này xảy ra ngay cả trong chính quan hệ vợ chồng. Khảo sát của ActionAid cũng cho biết 10% phụ nữ ở Việt Nam bị chồng bạo lực tình dục.

Kết hôn bao hàm “luôn đồng thuận tình dục” là quan niệm truyền thống của nhiều người. Tuy nhiên, các quy định luật pháp hiện đại về tình dục đồng thuận đã bác bỏ điều này. Vợ hoặc chồng đều có thể kiện đối phương ra tòa trước các hoạt động tình dục không dựa trên đồng thuận.

Sâu xa hơn trong cách hiểu khác nhau về “đồng thuận” là những khác biệt về văn hóa truyền thống, lối sống và suy nghĩ. Ở Việt Nam, “đồng thuận ngầm” là điều được nhiều người công nhận và bình thường hóa; trong khi với nhiều quốc gia, ”

means yes”, không có chỗ cho sự “hiểu ngầm”.

Do những khoảng trống về pháp luật và thói quen xuê xoa, ảnh hưởng từ quan niệm truyền thống, việc xử lý các cáo buộc tấn công tình dục còn gặp nhiều khó khăn tại Việt Nam.

Luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện hành quy định nạn nhân phải có trách nhiệm chứng minh mình bị xâm hại tình dục trái ý muốn. Đây là một trách nhiệm nặng nề đặt lên nạn nhân, biến hành vi của nạn nhân thành yếu tố trung tâm trong việc xác định tội phạm tình dục, gây tâm lý e ngại cho người bị hại khi trình báo.

Hơn nữa, luật hiện hành quy định căn cứ xác định Tội hiếp dâm hoặc Tội cưỡng dâm thông qua “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân” (tội “Hiếp dâm”) hoặc “dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng” (tội “Cưỡng dâm”), thay vì “đồng thuận” hay “không đồng thuận”. Từng có kiến nghị thay đổi cụm từ “không thể tự vệ” trong Điều 141 và Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015 thành “không thể đưa ra sự đồng ý một cách tự nguyện”.

Khoảng trống chưa cập nhật về quy định pháp luật ở lĩnh vực này cũng gây ra sự thiếu hiểu biết về “đồng thuận”, có thể dẫn người Việt tới những tình huống phạm tội, đặc biệt tại các quốc gia có những quy định nghiêm ngặt về tội phạm xâm hại tình dục.

Luật pháp liên quan tới các buộc hiếp dâm chia làm hai loại: Dựa trên sự đồng thuận (consent-base) và dựa trên việc có hành vi ép buộc mang tính đe dọa (coercion-based). Bắt đầu từ Thụy Điển năm 2018, đến nay, hơn 10 quốc gia châu Âu đã chấp thuận mở rộng định nghĩa về tội hiếp dâm là “tình dục không đồng thuận”, mà không cần chứng minh “cưỡng ép hoặc chống cự, dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực”.

Tây Ban Nha là quốc gia gần đây nhất sửa luật hình sự theo hướng này. Tháng 5/2022, Hạ viện đã thông qua dự luật mang tên “Only

means yes” (Chỉ khi

mới là đồng ý) cho phép sử dụng “sự đồng thuận” là yếu tố chính trong các vụ xâm hại tình dục. Nếu tiếp tục được Thượng viện thông qua, quan hệ tình dục không đồng thuận có thể bị coi là tấn công tình dục và phải chịu án tù tối đa 15 năm.

Cơ thể phản ứng trước những kích thích không có nghĩa là đồng thuận tình dục. Chấp nhận một mối quan hệ tình yêu hay vợ chồng không có nghĩa là luôn đồng thuận về mặt tình dục. Cho phép một số hành vi như ôm, hôn không có nghĩa là đồng thuận về tất cả hành vi tình dục khác. Sự đồng thuận trong tình dục phức tạp hơn một tờ giấy đăng ký kết hôn, những khoái cảm của cơ thể hay việc theo một chàng trai về nhà sau khi say xỉn ở hộp đêm.

Tình dục vẫn là vấn đề “khó cởi mở” ở Việt Nam, do các ràng buộc về truyền thống và quan niệm đạo đức. Nhưng trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đã hợp pháp hóa nhiều hoạt động liên quan đến việc đáp ứng nhu cầu cơ bản này của con người, Việt Nam đứng trước yêu cầu cập nhật các quy định về pháp luật, đồng thời, kiến thức về đồng thuận trong tình dục là điều quan trọng và cần được phổ biến rộng rãi.

Được trang bị đầy đủ kiến thức về pháp luật, ít nhất một người sẽ biết cách hành xử để tránh được rủi ro pháp lý, chỉ còn đối diện với vấn đề đạo đức (nếu có) cho lựa chọn của mình.


Bùi Minh Đức