Hà Nội

Nam 40 tuổi, kết hôn ba năm chưa có con đến Bệnh viện Đại học Y khám trong tình trạng bế tắc vấn đề quan hệ và sinh con.

Gặp bác sĩ ngày 25/3, anh cho biết hơn một năm nay không quan hệ vợ chồng do giảm ham muốn, dương vật cương thất thường, xuất tinh sớm. Vợ anh năm nay 32 tuổi, kinh nguyệt đều, đã khám phụ sản cách đây một năm, kết quả bình thường.

Kết quả khám bệnh cho thấy kích thước dương vật bệnh nhân chỉ như ở đứa trẻ dưới 10 tuổi, tinh hoàn hai bên teo nhỏ. Xét nghiệm hormone nam giới giảm thấp như của trẻ chưa dậy thì, tinh trùng không có.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Bắc, Trưởng khoa Nam học và Y học giới tính chẩn đoán anh bị vô sinh do suy sinh dục nguyên phát. Người bệnh được làm thêm xét nghiệm di truyền để kiểm tra toàn diện.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa, một cặp vợ chồng mới cưới, có sức khỏe bình thường, sau 12 tháng chung sống với chế độ “yêu” điều độ, không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào mà không thể có con thì được xếp vào nhóm vô sinh, hiếm muộn. Do tâm lý e ngại, mặc cảm với bạn bè, người thân nên nhiều cặp cứ im lặng mà không thăm khám, điều trị kịp thời, dẫn đến vô sinh.

Đối với nam giới, các nguyên nhân chính khiến họ bị vô sinh, hiếm muộn bao gồm: rối loạn quá trình biệt hóa sinh sản tinh trùng, viêm nhiễm đường sinh dục, rối loạn cương dương, rối loạn xuất tinh (không xuất tinh hoặc xuất tinh ngược dòng), suy sinh dục…

Trong đó,

suy sinh dục nam

là tình trạng cơ thể nam giới không sản xuất đủ lượng hormone testosterone để đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bình thường các đặc tính sinh dục nam trong giai đoạn dậy thì, dẫn đến tình trạng chậm dậy thì hoặc không dậy thì ở trẻ nam.

Một người nam có thể mắc phải chứng suy sinh dục nam từ trong quá trình phát triển của thai nhi hoặc tại thời điểm trước tuổi dậy thì hoặc trong tuổi trưởng thành.

Theo các nghiên cứu trên thế giới đã thống kê, tỷ lệ suy sinh dục ở người trẻ có ảnh hưởng tới 0,7-2% thanh thiếu niên ở độ tuổi 13-20. Nghĩa là cứ 100 trẻ ở độ tuổi 13-20 thì một trẻ có biểu hiện suy sinh dục.

Biểu hiện thường gặp là giọng nói cao, râu, lông, tóc thưa hoặc không có, tinh hoàn kích thước nhỏ hoặc ẩn tinh hoàn, kích thước bộ phận sinh dục nhỏ. Chậm phát triển trí tuệ và tâm thần, khó khăn trong học tập, giao tiếp, giảm trí nhớ, giảm chú ý, phát triển tâm lý xã hội kém, dễ xúc động, lo lắng, trầm cảm.

Một số người còn phát triển ngực như nữ giới, nhiều mỡ bụng, tăng trưởng chậm, chiều cao kém, cơ bắp kém phát triển, dễ mỏi, mệt, lười vận động. Khối lượng xương nhỏ, không cốt hóa đầu xương, loãng xương, dễ gãy xương. Đến tuổi trưởng thành bị giảm ham muốn và giảm hoạt động tình dục. Nguy hiểm nhất là giảm khả năng sinh sản, không có tinh dịch hoặc không có tinh trùng trong tinh dịch, dẫn tới vô sinh.

Bệnh không nghiêm trọng đến tính mạng nhưng khiến trẻ dậy thì chậm, ảnh hưởng tới sức khỏe giới tính, tình dục, tâm lý và sức khỏe sinh sản sau này. Bác sĩ khuyến cáo trẻ đến tuổi dậy thì cần phải theo dõi, bố mẹ cần quan tâm và tâm lý để hướng dẫn con. Khi có biểu hiện bất thường, nên đưa trẻ đi khám và điều trị.


Thùy An