Kết thúc buổi tập, Đăng, 29 tuổi, ngắm từng nét cơ bắp trên cơ thể và nghĩ về giải dấu thể hình chuyên nghiệp đầu tiên anh sẽ tham gia sau một tháng nữa.

“Hầu như mọi buổi tập, mình đều nhìn lại thành quả của mình xem cơ thể đã cân đối, cơ bắp đã căng nét rõ ràng hay chưa. Nếu phần nào chưa ưng ý hay còn thiếu sót gì, mình sẽ lưu ý để cải thiện vào buổi tập sau”, Hoàng Hải Đăng chia sẻ.

Chàng trai 29 tuổi đang là huấn luyện viên tự do về thể hình, tại Hà Nội. Ngày 15/8, anh sẽ tham gia giải đấu đầu tiên trong sự nghiệp thể hình của mình. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giải đấu bị lùi so với dự kiến. Đăng đã dành gần một năm để tăng cân, siết cơ thay vì chỉ cần khoảng 6 tháng như dự định. Anh đang gấp rút tập luyện để tham dự giải đấu với sự tự tin.

Hoàng Hải Đăng, 29 tuổi, là huấn luyện viên tự do tại Hà Nội. Ảnh:

Đăng kể, năm 2005, vì “cao, gù, dáng đi dặt dẹo”, anh được bố đưa đến phòng tập. Khi đó, anh cao 1,75 m, chỉ nặng 45 kg. Một lần do đẩy tạ quá nặng, Đăng bị rách nhẹ một phần cơ ngực trái, nghỉ tập gần 2 năm. Khi đó, anh đã tăng được 15 kg, cơ thể cân đối hơn và không còn tự ti về cơ thể nhiều như trước.

Hết cấp ba, Đăng cao lên 1,83 m và nặng 65 kg. Anh tiếp tục tập luyện trong suốt 4 năm đại học, áp dụng nhiều lịch tập và giáo án để xem cơ thể phù hợp với loại nào như tập toàn thân, tập thân trên, thân dưới, đẩy hoặc kéo tạ.

Đầu năm 2016, anh quyết định chuyển hướng sang tập luyện chuyên nghiệp kết hợp với làm huấn luyện viên, dù bị gia đình phản đối. Theo Đăng, hướng nghề nghiệp này khá thú vị, mang lại nhiều giá trị cộng đồng. Ngoài ra, anh còn có lợi thế về ngoại hình và kiến thức nên quyết định đi theo nghề.

Anh nghiên cứu và đọc nhiều sách về thể hình trong và ngoài nước để trang bị kiến thức cho bản thân. Anh cho biết, một người có ngoại hình đẹp chưa chắc đã theo được thể hình bởi kiến thức rộng lớn. Giáo án phù hợp với bản thân chưa chắc phù hợp với những người khác. Một người tập thể hình muốn làm huấn luyện viên phải học cách cảm nhận cơ thể và linh hoạt với những yêu cầu của khách hàng.

Ngoài ra, anh còn dành thời gian tập luyện để có ngoại hình cân đối. Bí quyết của anh là luôn cố gắng tập hôm sau nặng hơn hôm trước và tìm phương pháp tập mới để cảm nhận được sự vận động của cơ thể đến mức tối ưu. Nếu thấy đau đúng nhóm cơ mình tập là đúng còn đau phần khác là do cách tập sai, chưa kích hoạt được cơ chuẩn.

Từ chàng “cò hương” cao gầy, Đăng tập luyện để trở thành huấn luyện viên, giúp đỡ nhiều người cải thiện vóc dáng và tự tin hơn về bản thân. Ảnh:

Ngoài ra, anh tập cùng với đồng đội để có động lực và có người theo dõi, hạn chế chấn thương. Đăng chọn người có kinh nghiệm tương đồng, kiến thức không quá chênh lệch để hiểu và hỗ trợ nhau hiệu quả hơn.

Theo Đăng, bài tập dễ gây chấn thương như squat hay bài tập tổng hợp deadlift để xây dựng sức mạnh toàn thân. Do đó, khi tập không nên quá chú trọng vào một nhóm cơ khiến cơ thể lệch, co kéo cơ dẫn đến mất cân đối.

Bình thường, anh sẽ squat với mức tạ 200 kg còn đẩy ngực từ 150 kg đến 160 kg. Anh luôn ưu tiên tập tạ nặng để nhanh lên cơ. Những người mới đi tập nên thử nghiệm các phương pháp khác nhau, đa dạng bài tập tránh nhàm chán mới gắn bó lâu dài.

Trong thể hình, dinh dưỡng chiếm phần lớn kết quả khi tập. Anh áp dụng thực đơn và phương pháp ăn mới, ăn kỷ luật, tập làm quen trong một tháng để cơ thể làm quen với chế độ mới. Việc ăn kiêng giúp cơ bắp có độ khô, độ nét của cơ được rõ ràng. Độ to cơ bắp phù hợp, không quá lớn và lệch nhau.

Anh chia khẩu phần thành 4-6 bữa và chỉ ăn các loại đồ hấp, luộc, ăn nhiều rau, không ăn các loại đồ chiên rán vì không kiểm soát được lượng calo từ dầu mỡ. Đăng bố trí lịch ăn để cơ thể không bao giờ bị đói, không dùng gia vị hay đồ chấm, hạn chế cả hoa quả.

Đăng và bạn tập. Ảnh:

Hiện nay, giải thể hình mở rộng ra nhiều loại hình mới fitness, bikini… để nhiều người tham gia hơn. Giải đấu Đăng lựa chọn là Men’s Physique với các tiêu chí quan trọng là khoe ngực, bụng, cơ liên sườn, vai, lưng theo hướng thẩm mỹ, cân đối và hài hòa. Đăng mong muốn thành công của mình trong cuộc thi sẽ giúp mọi người có nhận thức đúng đắn hơn về việc tập luyện thể hình.

“Mình hy vọng mọi người nhìn nhận đây là một công việc chứ không đơn thuần chỉ là đam mê hay sở thích nhất thời. Ngoài thời gian, tiền bạc thì các vận động viên cũng phải đổ rất nhiều mồ hôi, công sức để theo đuổi sự nghiệp này”, Đăng chia sẻ.


Thùy Anh