Tinh trùng hiến vào ngân hàng theo nguyên tắc tuyệt đối vô danh, đảm bảo bí mật, tự nguyện, chỉ được cho một lần và cả người hiến lẫn nhận không biết nhau.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng bộ môn Mô – Phôi, Trường Đại học Y Hà Nội, cho biết người chồng bị bất thường, khiếm khuyết về tinh trùng có thể thụ tinh trong ống nghiệm hoặc đến ngân hàng tinh trùng xin từ người hiến tặng. Việc xin – cho tinh trùng là một hành động ý nghĩa, nhân văn. Tuy nhiên để tránh những vấn đề phát sinh về sau, pháp luật quy định quá trình cho và nhận phải đảm bảo nguyên tắc bí mật và tự nguyện.


Tinh trùng hiến phải tuyệt đối vô danh

Tinh trùng hiến được lưu giữ trong ngân hàng tinh trùng để chờ người xin phù hợp. Nguyên tắc quan trọng nhất là người hiến phải bí mật, tự nguyện và vô danh. Sau khi hiến và thu được mẫu tinh trùng đảm bảo chất lượng, toàn bộ thông tin của người cho sẽ được xóa bỏ. Tại ngân hàng, mẫu tinh trùng được mã hóa bằng con số.

Trường hợp người nhận đi cùng người hiến đến cơ sở y tế, người nhận cũng không được phép dùng ngay mẫu tinh trùng này để thụ thai. Khi đó, mẫu tinh trùng sẽ được đổi, thay thế bằng một mẫu ngẫu nhiên khác đang lưu giữ tại ngân hàng.

Do đó, đứa con sau khi được thụ thai thành công từ mẫu tinh trùng hiến tặng vĩnh viễn không thể biết được ai là người bố sinh học của mình, kể cả trong các trường hợp bắt buộc phải tìm huyết thống để chữa bệnh như ghép tạng, ghép tủy… Một số trường hợp người đến hiến yêu cầu muốn biết người nhận là ai, các bác sĩ cũng không được phép tiết lộ.

Ngoài ra, việc chọn mẫu tinh trùng để hỗ trợ sinh sản cho người nhận là ngẫu nhiên. Do đó, khả năng đòi con sau này sẽ không thể xảy ra.


Người hiến và người nhận tinh trùng không biết thông tin của nhau

Theo nguyên tắc, mẫu tinh trùng đã được mã hóa, người hiến và người nhận không biết thông tin của nhau.

Một số vợ chồng chấp nhận xin tinh trùng “chui” bằng cách quan hệ trực tiếp do quá sốt ruột khi ngân hàng khan hiếm, ngại thủ tục hoặc muốn giảm chi phí. Tuy nhiên, quan hệ trực tiếp không phải lúc nào cũng “trăm phát trăm trúng”, nhất là trong trạng thái căng thẳng.

Hành động này sẽ khiến cả hai bên đứng trước nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường tình dục, tạo cơ hội cho nhiều kẻ lợi dụng phụ nữ để thỏa mãn nhu cầu xác thịt. Đặc biệt, tình trạng cho hoặc bán tinh trùng tràn lan, không được kiểm soát sẽ dẫn tới nguy cơ nhiều đứa trẻ cùng cha được sinh ra, tăng xác suất lấy người cận huyết.


Chỉ được hiến tinh trùng một lần

Ở Việt Nam, những người hiến tặng tại trung tâm hỗ trợ sinh sản chỉ được phép hiến tinh trùng một lần duy nhất và chỉ được sử dụng cho một người. Do đó, nguy cơ cận huyết là rất khó xảy ra.

Tuy nhiên, điều này chỉ đảm bảo nếu việc cho và nhận được thực hiện tại các bệnh viện, trung tâm y tế uy tín được cấp phép; tinh trùng rõ nguồn gốc, chất lượng đã được sàng lọc cẩn thận.

Người cho và người nhận tinh trùng nên đến bệnh viện, cơ sở y tế uy tín thực hiện để đảm bảo đứa con được hình thành từ tinh trùng khỏe mạnh nhất, tránh nguy cơ cận huyết.


Thùy An