TP HCM
Nam thanh niên 29 tuổi, thường tự chích hormon để lên cơ, kết hôn một năm chưa có con. Đi khám bác sĩ cho biết tinh trùng bị kiệt.
Tổng số tinh trùng của bệnh nhân còn 6,2 triệu, trong khi bình thường trên 39 triệu. Nam giới phải có ít nhất 32% tinh trùng bơi về phía trước, bệnh nhân này chỉ đạt 6%. Hình dạng tinh trùng bình thường chỉ còn 1%, ở nam giới khỏe mạnh phải trên 4%.
Theo bác sĩ Tân, bệnh nhân là một thanh niên vạm vỡ, cơ bắp, cho biết tập gym, nghe bạn bè hướng dẫn đã tự chích hormone testosterone để tăng cơ. Mỗi tuần anh chích một lần, sau bốn tháng cơ bắp tăng nhiều, tăng ham muốn, thế nhưng vợ vẫn chưa có tin vui nên đến bệnh viện khám.
Bác sĩ Tân phân tích testosterone là hormone sinh dục nam được sản xuất bởi tinh hoàn. Testosterone đóng vai trò quan trọng trong phát triển và duy trì nhiều đặc điểm thể chất của nam giới như ham muốn tình dục, sản xuất tinh trùng, khối lượng cơ bắp – sức mạnh, phân bổ lượng chất béo và khối lượng xương.
“Chính vì các tác dụng này mà nhiều người chơi thể thao đã lạm dụng testosterone để tăng cơ và sức bền thi đấu như một dạng doping”, bác sĩ Tân chia sẻ.
Bệnh nhân vạm vỡ, cơ bắp sau một thời gian tập gym kết hợp tiêm testosterone. Ảnh:
Tự ý dùng testosterone sẽ gây ức chế ngược lên não khiến giảm sản sinh hormone FSH có vai trò tạo tinh trùng. Vì vậy, lượng tinh trùng suy giảm nghiêm trọng. Thời gian và liều lượng sử dụng hormone càng nhiều thì lượng tinh trùng càng giảm trầm trọng.
Với bệnh nhân này, bác sĩ Tân tư vấn ngưng hoàn toàn việc tiêm testosterone, hẹn một tháng sau tái khám để đánh giá lại chất lượng và số lượng tinh trùng.
“Nếu bác sĩ nam khoa can thiệp kịp thời, các trường hợp như thế này có khả năng hồi phục chức năng sinh lý tạo tinh trùng, cải thiện khả năng sinh con”, bác sĩ Tân nói.
Lê Phương