Nghiên cứu của Đại học Justus-Biebig, Đức, Covid-19 ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bệnh nhân nam; còn theo WHO 63% ca tử vong là nam.
Nhiều bằng chứng khoa học khác cũng cho thấy bệnh nhân nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Một nghiên cứu ở Trung Quốc ghi nhận 70% người chết do Covid-19 là đàn ông, trong khi ở châu Âu, theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ này là 63%. Các nhà khoa học Italy phát hiện trong số những người nhập viện, tỷ lệ nam giới tử vong là 8% và nữ 5%.
Thi thể bệnh nhân Covid-19 được đưa ra xe tải đông lạnh tại Bệnh viện Wyckoff, Brooklyn, New York hôm 6/4/2020. Ảnh:
Tại sao đàn ông lại chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực hơn? Một nghiên cứu gần đây trên Tạp chí Tim mạch châu Âu cho thấy phái mạnh có thụ thể ACE2 trong máu nhiều hơn phái đẹp. ACE2 xuất hiện nhiều ở các tế bào trong phổi, tim, mạch máu và tinh hoàn. Các thụ thể này cho phép virus tiếp cận và xâm nhập vào tế bào, từ đó làm tăng rủi ro liên quan tới Covid-19. Tuy nhiên, mối liên hệ này cần được nghiên cứu sâu hơn. Ngoài ra, nhiễm sắc thể Y có thể làm hệ thống miễn dịch bị suy yếu, so với phụ nữ có hai nhiễm sắc thể X. Đó là lý do tại sao đàn ông có phản ứng miễn dịch với virus cúm theo mùa kém hơn nữ giới.
Thói quen cũng đóng một phần vai trò, ví dụ như hút thuốc. “Thuốc lá góp phần làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong do Covid-19. Người hút thường chạm tay lên miệng nhiều, do đó dễ mắc bệnh”, bác sĩ Luke Powles, phó giám đốc Phòng khám BUPA, giải thích. Trên thực tế, nam giới có xu hướng hút thuốc nhiều hơn.
Bác sĩ Powles trích dẫn một số nghiên cứu cho thấy cánh mày râu uống nhiều rượu hơn phái đẹp. Điều này có hại cho hệ miễn dịch và liên quan tới những bệnh về phổi. Ngoài ra, một số đánh giá chỉ ra đàn ông ít lo lắng về dịch bệnh hơn phụ nữ, vì thế họ không chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch và không đi khám nhanh chóng.
Jonathan Ramsay, nhà tư vấn tiết niệu và chuyên gia sinh sản nam tại Phòng khám Lister ở Anh, cho rằng đàn ông mắc Covid-19 không nên quá lo lắng. Một số bệnh nghiêm trọng, đặc biệt là bệnh gây sốt, có thể khiến khả năng sinh sản suy giảm. Bác sĩ Ramsay giải thích trong trường hợp này, ảnh hưởng thường ngắn hạn và hệ sinh sản sẽ phục hồi trong vòng 6 tháng.
Mặt khác, nghiên cứu của Đức còn nhiều hạn chế khi so sánh người bệnh với người chưa từng nhiễm nCoV, bởi những yếu tố khiến bệnh nhân phải nhập viện như tuổi tác, cân nặng và bệnh nền hay tác dụng của thuốc kháng sinh, thuốc corticoid cũng ảnh hưởng tới khả năng sinh sản. Vì nam giới không kiểm tra tinh trùng thường xuyên, rất khó để xác định bức tranh toàn cảnh về tác động của virus.
Mai Dung