Giang mai ảnh hưởng đến số lượng trứng được thụ tinh, gây viêm nội mạc tử cung, giảm tỷ lệ làm tổ và khả năng thành công trong điều trị hiếm muộn.

TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết giang mai là bệnh lây truyền qua đường tình dục do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra.

Phụ nữ mắc bệnh giang mai, nếu không điều trị hoặc điều trị không đầy đủ, xoắn khuẩn có thể gây viêm nội mạc tử cung, tắc ống dẫn trứng, giảm số lượng trứng được thụ tinh, cản trở sự phân chia tế bào trứng. Từ đó làm giảm tỷ lệ làm tổ, ảnh hưởng tới khả năng mang thai khi điều trị hiếm muộn.

Một nghiên cứu đối chiếu kết quả lâm sàng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm của 320 cặp vợ chồng vô sinh điều trị giang mai tại Bệnh viện Sun Yat Sen (Trung Quốc). Kết quả cho thấy tỷ lệ thụ thai thành công ở phụ nữ có tiền sử giang mai thấp hơn gần 12% so với người không mắc bệnh. So với phụ nữ không mắc bệnh, nội mạc tử cung ở phụ nữ mắc giang mai dày hơn khoảng 4 mm, tỷ lệ làm tổ thấp hơn 10%, nguy cơ sẩy thai cao hơn gần 7%.

Trong quá trình mang thai, xoắn khuẩn chui qua hàng rào nhau thai, gây bệnh giang mai bẩm sinh ở thai nhi, nguy cơ thai chết lưu, sẩy thai, sinh non.

Theo thống kê gần nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm bệnh giang mai ở phụ nữ mang thai gây ra khoảng 143.000 trường hợp thai chết lưu, 61.000 ca tử vong sau khi sinh, 41.000 ca sinh non và hơn 100.000 trường hợp giang mai bẩm sinh.
Vợ chồng mắc giang mai cần điều trị khỏi bệnh trước khi mang thai. Ảnh: Freepik

Vợ chồng mắc giang mai cần điều trị khỏi bệnh trước khi mang thai. Ảnh:

Em bé bị giang mai bẩm sinh gặp nhiều vấn đề sức khỏe như mù, điếc, thiếu máu nặng, biến dạng xương, viêm màng não, hệ thần kinh chậm phát triển, liệt tay chân, sức đề kháng yếu, bệnh động kinh… Các triệu chứng có thể xuất hiện sớm ở trẻ 3-14 tuần tuổi hoặc muộn hơn, khoảng 5 tuổi.

Ở nam giới, xoắn khuẩn xâm nhiễm đến tinh hoàn gây viêm mào tinh hoàn và tinh hoàn, làm giảm chất lượng, số lượng tinh trùng. Xoắn khuẩn có thể tấn công ống dẫn tinh hình thành sẹo, làm cản trở sự xuất tinh, ảnh hưởng đến khả năng có con của nam giới. Ngoài ra, tinh dịch mang mầm bệnh giang mai
từ người chồng có thể lây sang cho vợ.

Bác sĩ Ngọc Bích lưu ý giang mai thời kỳ đầu không có triệu chứng đặc hiệu nên khó phát hiện. Do đó, vợ chồng trước khi điều trị vô sinh, hiếm muộn cần xét nghiệm chẩn đoán bệnh sớm. Nếu mắc giang mai, phải chữa khỏi bệnh mới điều trị hiếm muộn, tránh ảnh hưởng sức khỏe của hai vợ chồng và an toàn cho thai nhi.