Quảng Ninh

Sau ca mổ 30 phút, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh đưa tinh hoàn “lạc chỗ” lên ổ bụng về đúng vị trí cho bé 3 tuổi.

Ngày 7/9, bác sĩ Phạm Việt Hùng, Trưởng Khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cho biết bé trai nhập viện do bìu không cân đối, sờ nắn chỉ thấy một bên tinh hoàn, kết quả siêu âm không thấy tinh hoàn bên phải. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc tinh hoàn ẩn, bệnh lý bẩm sinh khá phổ biến ở bé trai.

Bác sĩ Hùng nhận định đây là ca bệnh khó do tinh hoàn phải bị teo nhỏ và ẩn trên bụng nên không thể thấy được qua siêu âm. Việc chụp CT hay MRI gặp khó khăn do trẻ không hợp tác.

Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật nội soi hạ tinh hoàn ẩn, đưa bộ phận này về đúng vị trí chức năng trong bìu. Hiện bệnh nhi tỉnh táo, sức khỏe ổn định, ăn uống tốt.

Các bác sĩ phẫu thuật hạ tinh hoàn ẩn cho bệnh nhi. Ảnh:

Tinh hoàn ẩn là tình trạng một hay cả hai tinh hoàn không di chuyển xuống bìu mà nằm ở vị trí khác như trong ống bẹn hoặc ổ bụng.

Ở bé trai sơ sinh, tỷ lệ mắc bệnh khoảng 2-5%, hay gặp ở trẻ nhẹ cân, sinh đôi, sinh non. Trường hợp có tinh hoàn ẩn cần mổ càng sớm càng tốt để tránh biến chứng teo tinh hoàn, vô sinh và ung thư.

“Nếu không sớm phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có thể gây nguy cơ vô sinh cũng như biến chứng ung thư về sau”, bác sĩ nói.

Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh như trẻ đẻ non tháng, nhẹ cân; tiền sử trong gia đình có cha, anh, em bị ẩn tinh hoàn; tuổi mẹ cao; mẹ mang thai nhiều lần hoặc mắc bệnh lý mạn tính; mẹ hút thuốc lá, sử dụng đồ uống có cồn hoặc caffeine trong quá trình mang thai hay phơi nhiễm với các hóa chất ảnh hưởng nội tiết.

Nếu nghi ngờ trẻ bị tinh hoàn ẩn, không thấy có đủ hai tinh hoàn trong bìu, phụ huynh cần cho con đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn. Theo bác sĩ, độ tuổi can thiệp điều trị thích hợp nhất là từ 6-18 tháng. Bệnh nhân có thể được điều trị nội khoa, phẫu thuật nội soi, hoặc phẫu thuật mở hạ tinh hoàn xuống bìu.


Minh An