Hà Nội

Sau khi quan hệ tình dục với một bạn gái mới quen qua mạng xã hội, nam thanh niên bị bệnh lậu, mắt phải sưng nề, cộm và dịch mủ vàng xanh, đau rát, nguy cơ thủng giác mạc.

Tình trạng đỏ, cộm mắt kéo dài suốt 10 ngày, bệnh nhân mới đến phòng khám tư, bác sĩ chẩn đoán viêm kết mạc mắt và kê thuốc nhỏ mắt trong 7 ngày nhưng không thuyên giảm. Sau đó, anh đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám, tình trạng nặng nề do giác mạc mắt phải đục, kết mạc mắt phải đỏ, nhìn mờ, khó mở mắt.

Bác sĩ không phát hiện tổn thương tại vị trí niêm mạc họng, miệng và sinh dục bệnh nhân. Tuy nhiên kết quả soi tươi dịch mủ mắt phát hiện vi khuẩn gây bệnh lậu, mắt bị loét giác mạc dọa thủng.

Ngày 7/9, bác sĩ Vũ Xuân Hương, Bệnh viện Da liễu Trung ương, giải thích đây là trường hợp nhiễm lậu mắt tương đối hiếm gặp với tổn thương cơ quan duy nhất là mắt phải, không có biểu hiện ở cơ quan khác. Do đó, bệnh nhân đã bị bỏ sót chẩn đoán ở giai đoạn sớm khiến bệnh kéo dài đến hơn 10 ngày. Khi đến bệnh viện, mắt người bệnh đã xuất hiện các biến chứng do bệnh lậu dẫn đến nguy cơ thủng giác mạc.

Bệnh nhân điều trị bằng kháng sinh và đáp ứng phác đồ điều trị tốt, chỉ sau một ngày mắt phải đã bớt sưng nề và giảm chảy dịch mủ rõ rệt.

Vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra bệnh lậu. Ảnh:

Bệnh lậu do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae hay gonococcus gây ra. Đây là loại vi khuẩn thường xuất hiện ở âm đạo, cổ tử cung, mắt, miệng, hậu môn và trong đường niệu đạo của nam giới. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, phổ biến với nam nữ trong độ tuổi sinh sản.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính mỗi năm toàn cầu có khoảng 357 triệu ca mắc các

bệnh lây truyền qua đường tình dục

. Trong đó nhiễm khuẩn chlamydia 131 triệu người, bệnh lậu 78 triệu người. 5,6 triệu người bị giang mai và 143 triệu bệnh nhân trichomonas. Hơn 500 triệu người đang sống chung với virus HSV (herpes) ở bộ phận sinh dục.

Lậu ở mắt xảy ra ở cả nam và nữ mọi lứa tuổi, tập trung chủ yếu ở trẻ sơ sinh và ít gặp ở người lớn. Đây là bệnh nhiễm trùng nặng nề, có thể gây ra viêm loét giác mạc nhanh chóng dẫn đến biến chứng mất thị lực.

Ở trẻ em, lậu lây truyền từ người mẹ bị mắc bệnh lậu thời kỳ mang thai, trẻ được sinh mổ vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Ở người lớn, lây truyền chủ yếu thông qua quan hệ tình dục, tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch cơ thể có chứa vi khuẩn lậu.

Bệnh nhân có thể bị lậu mắt khi người bị bệnh xuất tinh, đi tiểu vào hoặc xung quanh mắt bạn tình, hay bị nhiễm bệnh lậu ở những cơ quan khác và lây lan sang mắt. Tay chạm vào mắt sau khi tiếp xúc với nước tiểu, tinh dịch hoặc dịch âm đạo bị nhiễm bệnh, dùng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh như khăn mặt làm cho vi khuẩn xâm nhập vào mắt… cũng có nguy cơ mắc bệnh.

Thời gian ủ bệnh tương đối ngắn, từ hai đến 5 ngày. Bệnh có thể lây khi người bệnh đang trong thời gian ủ bệnh, chưa có triệu chứng. Một số trường hợp có thể xuất hiện sớm sau một ngày hoặc muộn tới 14 ngày.

Biểu hiện thường gặp là mắt đỏ, sung huyết, sưng nề mi mắt và tổ chức quanh mắt, khó mở mắt, chảy dịch mủ trắng, vàng hoặc xanh lá cây số lượng nhiều, liên tục tạo thành một lớp vảy trên mắt, đau, rát nhiều. Người lớn có quan hệ tình dục có thể xuất hiện thêm các triệu chứng ở cơ quan khác ngoài mắt. Bệnh phát hiện muộn gây biến chứng như viêm và tổn thương giác mạc, bao gồm sẹo và loét, thậm chí mất thị lực một phần hoặc toàn bộ.

Theo bác sĩ, biện pháp tốt nhất để hạn chế bệnh lậu nói chung và lậu mắt nói riêng là nâng cao hiểu biết để phòng bệnh. Bạn nên rửa tay sạch sẽ khi quan hệ tình dục. Không để tinh dịch hoặc nước tiểu rơi vào hoặc xung quanh mắt. Nếu bị dính tinh dịch hoặc nước tiểu vào mắt và không chắc chắn về tình trạng sức khỏe của bạn tình, bạn nên rửa thật sạch bằng nước muối 0,9% để loại bỏ vi khuẩn ngay lập tức.

Nên kiểm tra sức khỏe sinh sản mỗi năm một lần hoặc bất cứ khi nào có một mối quan hệ mới. Nếu bệnh nhân hoặc bạn tình có kết quả dương tính với bệnh lậu, cả hai nên đi khám và điều trị.

Sau 7 ngày điều trị, bạn có thể quan hệ tình dục lại.


Thùy An