Hà Nội

Nam thanh niên 21 tuổi bị suy sinh dục dưới đồi, sau hai tháng được bác sĩ Khoa Nam học, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội điều trị đã cải thiện được biểu hiện nam tính.

Ngày 3/8, các bác sĩ cho biết lông sinh dục bệnh nhân kém phát triển, tinh hoàn hai bên chỉ tương đương thiếu niên 10-12 tuổi, giọng thanh chứ không trầm ồm như những thanh niên khác, hệ cơ kém phát triển. Các xét nghiệm chuyên sâu phát hiện hormone sinh dục của bệnh nhân vô cùng thấp.

Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc Hypothalamic hypogonadism (HH) – suy sinh dục dưới đồi. Người bệnh phải dùng thuốc thay thế testosterone tiêm bắp hàng ngày. Sau hai tháng điều trị theo phác đồ này, bệnh nhân tái khám cho biết cơ thể có nhiều thay đổi, cảm giác nhiều năng lượng hơn, lông sinh dục phát triển nhanh, giọng nói ồm hơn.

Hypothalamic hypogonadism (HH) hay suy sinh dục vùng dưới đồi, là tình trạng vùng dưới đồi hoặc tuyến yên sản xuất ít hoặc không sản xuất hormone gonadotropins khiến quá trình phát triển giới tính ở nam giới có thể bị dừng hoặc chậm lại, hay gặp vấn đề về khả năng sinh sản, ham muốn tình dục thấp.

Biểu hiện suy sinh dục rất khác nhau ở trẻ em và người lớn. Thông thường, trẻ chậm phát triển giới tính như tinh hoàn và dương vật không to, giọng nói trầm hơn và lông mặt. Nam giới không có khả năng ngửi, tầm vóc thấp, mất hứng thú với tình dục (ham muốn tình dục), nữ giới bị vô kinh. Nam giới cũng dễ mất khối lượng cơ, tăng cân, thay đổi tâm trạng,…

Cách duy nhất để xác định bạn có suy sinh dục hay không là xét nghiệm nồng độ testosterone máu (xét nghiệm vào buổi sáng để có kết quả chính xác). Nếu phát hiện mức testosterone thấp, bệnh nhân sẽ được xét nghiệm nồng độ FSH và LH để tìm nguyên nhân gây suy sinh dục.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể phải chụp MRI đầu để kiểm tra các bất thường giải phẫu tiềm ẩn của vùng dưới đồi và tuyến yên. Các xét nghiệm bổ sung bao gồm kiểm tra máu như sắt, hormone tuyến giáp, Prolactin, cortisol, GnRH, xét nghiệm di truyền.

Quá trình điều trị suy sinh dục phải được bác sĩ theo dõi chặt chẽ. Người bệnh điều trị bằng liệu pháp thay thế testosterone (TRT), thường dưới dạng tiêm hoặc miếng dán testosterone giải phóng chậm, liệu pháp thay thế gonadotropins (GRT). Nam giới mắc bệnh có nguyện vọng giữ chức năng sinh sản sẽ được tiêm gonadotropin màng đệm.

Bác sĩ khuyến cáo người gặp vấn đề về khả năng sinh sản, ham muốn tình dục thấp cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị sớm.


Minh An