Gần đây, vợ chồng tôi cảm thấy xa cách, khó gần gũi. Dấu hiệu nào giúp nhận biết rối loạn tình dục? (Vân Trang, 46 tuổi, TP HCM)


Trả lời:

Cả hai giới đều có thể bị rối loạn chức năng tình dục, với các triệu chứng khác biệt theo đặc điểm sinh lý. Ở nam giới bao gồm giảm ham muốn tình dục và không phản ứng với các kích thích tình dục, rối loạn cương dương, không đạt cực khoái, đau, xuất tinh sớm.

Biểu hiện ở nữ giới thường là không đạt được cực khoái; khô âm đạo; đau khi quan hệ, có thể do co thắt cơ hoặc viêm âm đạo.

Rối loạn chức năng tình dục ở cả hai giới cũng có chung các đặc điểm như thiếu hưng phấn hoặc giảm ham muốn tình dục, đau hay khó chịu khi quan hệ. Cả vợ và chồng có thể cùng gặp vấn đề sau khi

giao hợp

như lo lắng, suy nhược cơ thể, hắt hơi, chảy nước mũi.

Rối loạn này có thể ảnh hưởng đến nhiều người trưởng thành, nhưng phổ biến nhất ở người trên 40 tuổi. Nguyên nhân có thể do tuổi tác, suy giảm sức khỏe thể chất, tâm lý hay thói quen sinh hoạt… Sự thay đổi nội tiết tố (testosterone, estrogen) cũng có thể là nguyên nhân.

Sau độ tuổi 40, nam giới bắt đầu thời kỳ mãn dục, nồng độ testosterone giảm khoảng 1% mỗi năm. Hầu hết đàn ông lớn tuổi vẫn có mức testosterone trong phạm vi bình thường, ước tính khoảng 10-25% là thấp.

Giai đoạn mãn kinh ở nữ giới thường bắt đầu ở độ tuổi 45-55. Trong giai đoạn cuối của thời kỳ tiền mãn kinh, cơ thể người phụ nữ sản xuất ngày càng ít estrogen hơn.

Không chỉ ảnh hưởng đến “chuyện chăn gối”, rối loạn chức năng tình dục có thể khiến người mắc bệnh rơi vào trạng thái trầm cảm, lo lắng, mối quan hệ tình cảm trở nên căng thẳng, chất lượng cuộc sống giảm sút.

Nếu có các dấu hiệu trên và lo lắng rối loạn

tình dục

, ảnh hưởng đến quan hệ vợ chồng, anh chị nên đến gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân, đánh giá tình trạng bệnh và có phương pháp điều trị phù hợp.


Tiến sĩ, bác sĩ Lê Phúc Liên