Hà Nội

Bé 5 tuổi đi tiểu khó khăn, sốt, mệt mỏi kéo dài, đau đớn ở dương vật, gia đình đưa đến Bệnh viện E khám.

Bác sĩ Nguyễn Đình Liên, Trưởng Khoa Phẫu thuật Thận – Tiết niệu và Nam học, khám ngày 6/4 phát hiện cháu bé bị hẹp bao quy đầu, viêm nhiễm lâu ngày gây chảy mủ nặng nề, quánh đặc. Người nhà cho biết hàng ngày chỉ tắm sơ qua cho con nên không phát hiện ra tình trạng hẹp bao quy đầu, không rửa kỹ bộ phận sinh dục bé.

Bác sĩ Liên cho biết bé nếu không điều trị kịp thời có thể nhiễm trùng ngược dòng, viêm bàng quang, viêm đài bể thận, thậm chí ảnh hưởng tới chức năng thận, gây suy thận. Viêm nhiễm bao quy đầu kéo dài còn có thể tạo nguy cơ ung thư hóa.

Sau khi được can thiệp, hiện bé hết viêm nhiễm.

Dương vật có phần đầu gọi là quy đầu, phần da che quy đầu gọi là da quy đầu. Hẹp bao quy đầu là tình trạng bao da bó chặt quy đầu, không thể lộn hoàn toàn ra khỏi quy đầu được.

Có hai dạng hẹp bao quy đầu, gồm sinh lý và bệnh lý. Hẹp bao quy đầu sinh lý chiếm hầu hết các trường hợp, do sự phát triển bình thường của các kết dính bẩm sinh. Đa số bé trai mới sinh (96%) đều hẹp bao quy đầu sinh lý. Đến 3 tuổi, tỷ lệ này giảm dần xuống còn 10% và còn 1% lúc 14 tuổi. Hẹp bao quy đầu bệnh lý ít gặp hơn, do bao quy đầu bị dính sau khi bị viêm nhiễm, gây sẹo xơ hoặc sang chấn quá mạnh khi nong bao quy đầu trước đó.

Trẻ bị hẹp bao da quy đầu thường có những biểu hiện tiểu khó, phải rặn làm phồng bao quy đầu, tia tiểu bắn xa. Trẻ nhỏ thường quấy khóc và đỏ mặt vì rặn mỗi khi đi tiểu. Do phần chít hẹp làm lỗ tiểu của bé nhỏ, cản trở bài xuất nước tiểu nên bao quy đầu của trẻ thường xuyên tấy đỏ và ngứa ngáy. Thậm chí tiểu ra nước tiểu rất đục và hôi, nhiều trường hợp nhìn thấy kén bã màu trắng đục ở vùng quy đầu hoặc vòng xơ của bao quy đầu ngay lỗ tiểu.

Hẹp bao quy đầu ở trẻ nếu không được điều trị kịp thời sẽ tích tụ các chất bẩn trong nước tiểu và dịch nhầy của đường tiết niệu đọng ở nếp da quy đầu. Đây là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây viêm đường tiết niệu, có thể ảnh hưởng và gây nhiều biến chứng không tốt tới thận.

Cha mẹ có thể tự kiểm tra và phát hiện tình trạng hẹp bao quy đầu của con bằng cách vuốt ngược bao quy đầu xuống dưới, nếu thấy bao quy đầu của con không lộn ra được, tức bị viêm dính. Hoặc nếu sờ thấy đầu dương vật có xơ cứng, chắc chắn trẻ bị hẹp bao quy đầu.

Bác sĩ Liên khuyến cáo, khi con có tình trạng hẹp bao quy đầu, đặc biệt khi thấy trẻ kêu đau đớn, khó khăn khi đi tiểu, phụ huynh tốt nhất nên đưa trẻ tới thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, điều trị kịp thời.

Nếu quyết định đưa con đi nong bao quy đầu, cần tới cơ sở y tế uy tín, tránh thực hiện ở những phòng khám không đảm bảo chất lượng dễ gây nguy cơ viêm nhiễm. Đặc biệt, sau khi nong bao quy đầu cho trẻ, cha mẹ phải biết cách chăm sóc kỹ lưỡng, tránh gây mô xơ hóa bao quy đầu.


Thúy Quỳnh