Nóng rát khi đi tiểu, tiết dịch không rõ nguyên nhân… là những dấu hiệu chỉ ra nam giới bị nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục và cần được chữa trị.

Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs) khiến nhiều người lo lắng nhưng lại e ngại chia sẻ. Việc cố tình phớt lờ các triệu chứng của bệnh hoặc không chữa trị sớm khiến tình trạng càng trở nên tồi tệ, thậm chí lây nhiễm sang người khác, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Do đó, nam giới cần tới bác sĩ khám ngay khi gặp các vấn đề dưới đây.
Nóng rát khi đi tiểu

Cảm giác nóng rát khi đi tiểu là dấu hiệu điển hình của STIs ở cả nam và nữ giới. Triệu chứng phổ biến này đi kèm với cảm giác muốn đi tiểu thường xuyên hơn và đau nhói khi đi tiểu.


Tiết dịch không rõ nguyên nhân

Một triệu chứng khác của STIs mà nam giới không được bỏ qua là tiết dịch bất thường từ dương vật. Triệu chứng này có thể xuất hiện khi nhiễm chlamydia, lậu và trichomonas (nhiễm trùng âm đạo hoặc đường sinh dục nam).


Khó khăn khi xuất tinh

Nếu một người đã trải qua tình trạng này trong một thời gian dài, đừng ngần ngại đến gặp bác sĩ. Triệu chứng này gây ra sự đau đớn và khó chịu cực độ trong khi quan hệ tình dục hay khi xuất tinh.


Đau bụng

Không ít người ngạc nhiên khi biết những cơn đau bụng không rõ nguyên nhân, đặc biệt là vùng bụng dưới, có thể là do STIs gây ra. Đây là một trong những dấu hiệu điển hình của bệnh chlamydia, gây đau vùng chậu và tinh hoàn.


Ngứa

Có nhiều nguyên nhân gây ngứa vùng kín hoặc nổi mẩn đỏ như thói quen vệ sinh không sạch sẽ hoặc không đúng cách; mặc đồ lót bẩn, ẩm ướt… Nếu các triệu chứng này kéo dài trong vài ngày, nam giới cần được thăm khám và điều trị.

Những mụn nước nhỏ hoặc vết loét xung quanh bộ phận sinh dục là các triệu chứng tiềm ẩn của bệnh giang mai và mụn rộp sinh dục. Ngay cả các triệu chứng giống như cúm và phát ban cũng có khả năng liên quan đến những bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV và giang mai.


Cách phòng tránh STIs

Để tránh rủi ro lây nhiễm STIs, các đôi cần sử dụng bao cao su hoặc những biện pháp an toàn khác khi quan hệ.

Nam giới và bạn tình cũng cần kiểm tra sức khỏe tình dục định kỳ; trò chuyện cởi mở với nhau về kết quả xét nghiệm (nếu có). Mỗi người cũng nên tiêm chủng viêm gan B và HPV. Nếu một người có nguy cơ nhiễm HIV cao, cần nói chuyện với bác sĩ về phương pháp điều trị dự phòng, được gọi là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP).

Hầu hết bệnh lây truyền qua đường tình dục

đều có thể điều trị. Điều quan trọng là mọi người cần phòng ngừa và khám sàng lọc thường xuyên nhằm đảm bảo mọi trường hợp nhiễm trùng

đều được điều trị kịp thời.


Triệu Vy