TP HCM

Thanh niên 30 tuổi vào Bệnh viện Bình Dân cấp cứu với vùng da quy đầu dương vật sưng to, chảy máu do kẹt một vòng xơ hóa ở khấc quy đầu.

Bác sĩ Lê Vũ Tân, Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân, ngày 14/11, cho biết kíp cấp cứu tiêm thuốc tê quanh vòng thắt, cố gắng đẩy lên vài lần nhưng không được do vòng thắt siết quá chặt.

Bác sĩ Tân quyết định dùng dao xẻ dọc vòng thắt nhằm giải áp, đẩy da lên, vẫn thất bại. “Xẻ thêm vài đường phía mặt dưới dương vật qua vòng thắt, bệnh nhân đau nhiều hơn. May mắn cuối cùng quy đầu qua được vòng thắt khiến bệnh nhân, bác sĩ và điều dưỡng đều thở phào”, bác sĩ Tân nói.

Theo bác sĩ Tân, đầu dương vật được bao phủ bởi một mô gọi là da quy đầu. Da quy đầu hình thành từ tuần 8-12 của thai kỳ và hoàn tất vào tuần 16-20. Khi bé trai chào đời, da quy đầu dính sát vào quy đầu, dần dần tách khỏi quy đầu nhờ sự phát triển của dương vật, sự tích tụ của chất bợn và sự cương dương vật.

Da quy đầu giúp bảo vệ quy đầu, ngăn ngừa tổn thương quy đầu, tăng cảm giác tình dục nhờ các thể thần kinh, tạo chất dịch bôi trơn âm đạo khi giao hợp. Đây cũng là nguồn cung cấp mô dùng trong phẫu thuật tạo hình niệu đạo.

“Triệu chứng chính của thắt nghẹt da quy đầu là không có khả năng tuột da trở lại vị trí bình thường trên đầu dương vật gây sưng đau”, bác sĩ Tân phân tích. Đầu dương vật cũng có thể có màu đỏ sẫm hoặc xanh do thiếu lưu lượng máu. Một số trường hợp đến viện muộn có thể bị loét da quy đầu hoặc quy đầu.

Bác sĩ Tân khuyến cáo bệnh nhân bị thắt nghẹt da quy đầu cần đến bệnh viện để bác sĩ nam khoa hoặc niệu khoa xử lý càng sớm càng tốt, tránh viêm loét gây nhiễm trùng. Các bác sĩ sẽ hỗ trợ lộn lại da quy đầu, sau đó người bệnh được điều trị thuốc để giảm đau và giảm phù nề vùng chấn thương.

Thắt nghẽn bao quy đầu dễ tái phát, do đó sau 7-10 ngày, bệnh nhân cần được cắt bao quy đầu.


Lê Phương