Hà Nội

Nam thanh niên 25 tuổi đi khám nam khoa do sưng đau bìu trái tái phát lần thứ 4, uống thuốc kháng sinh, giảm viêm không bớt.

Bác sĩ Nguyễn Cao Thắng, khoa nam học, Bệnh viện đại học Y Hà Nội, cho biết tinh hoàn trái người bệnh sưng, áp xe. Xét nghiệm dịch mủ phát hiện có vi khuẩn lao, do đó phác đồ điều trị viêm tinh hoàn thông thường không thể khỏi được. Bệnh nhân được bác sĩ kê đơn điều trị tại nhà liên tục trong 6 tháng.

Vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) là một loại trực khuẩn gram dương hiếu khí kháng acid. Vi khuẩn tốc độ sinh sản chậm nên biểu hiện lâm sàng rất âm thầm.

Vi khuẩn lao có thể không hoạt động và xâm nhập vào cơ thể người thông qua đường hô hấp (phổ biến nhất) từ giọt bắn của người lao phổi do Mycobacterium tuberculosis; qua đường tiêu hóa và đường tình dục khi phụ nữ oral sex với người đàn ông mắc lao sinh dục (có vi khuẩn lao trong tinh dịch) hoặc lây qua vị trí xây xát đường sinh dục khi một trong hai người mắc lao. Trong đó, lao tinh hoàn – mào tinh hoàn chiếm khoảng 7% bệnh nhân lao nói chung. Các biểu hiện của lao tinh hoàn gồm sưng đau bìu, dày da bìu, tràn dịch màng tinh hoàn, lỗ rò vùng bìu.

Khoảng 10% bệnh nhân nhiễm lao sinh dục có thể bị vô sinh; khoảng 4% đến 9,1% nam giới bị vô sinh không tinh trùng tắc nghẽn do lao. Để phát hiện lao tinh hoàn, bác sĩ soi phết kính hiển vi, nuôi cấy định danh vi khuẩn, xét nghiệm GeneXpert MTB/RIF hoặc chọc sinh thiết lấy tổ chức để xét nghiệm cận lâm sàng.

Khi phát hiện lao tinh hoàn, bệnh nhân phải uống thuốc điều trị. “Nếu lao kháng thuốc, điều trị phức tạp có thể kéo dài đến vài năm”, bác sĩ nói. 50-70% ca bệnh lao đa kháng thuốc được điều trị thành công.

Bác sĩ khuyên để phát hiện và điều trị sớm bệnh lý nam khoa, khi có biểu hiện bất thường, nam giới cần vượt qua ngại ngần và thăm khám, để lâu bệnh thành mạn tính, khó chữa, ảnh hưởng khả năng sinh sản.


Thùy An