Hà Nội

Nam thanh niên, 39 tuổi, chưa vợ, đi khám nam khoa vì xuất hiện nốt lạ ở dương vật, được chẩn đoán mắc bệnh giang mai.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Bắc, Trưởng khoa Nam học và Y học Giới tính, Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội, ngày 21/7, cho biết bệnh nhân được xét nghiệm và khám tổng quát các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục, kết quả dương tính với xoắn khuẩn giang mai Treponema pallidum.

Tại bệnh viện, người bệnh thừa nhận có đời sống tình dục phong phú, có nhiều bạn tình song chỉ nghĩ mình viêm bao quy đầu và rất “tin tưởng” các đối tác. Anh cũng không biết mình bị lây bệnh từ người nào.

Bệnh nhân được bác sĩ kê đơn, điều trị ngoại trú và hẹn tái khám.

Nốt vảy đỏ ở bàn tay là dấu hiệu của bệnh giang mai. Ảnh:

Giang mai là loại bệnh do xoắn khuẩn giang mai Treponema pallidum gây ra, thời gian ủ bệnh lâu. Đây là bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục do xoắn khuẩn lây nhiễm cho da, miệng, hệ thần kinh và phổ biến nhất là bộ phận sinh dục ở cả nam và nữ. Bệnh lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn. Ngoài ra có thể lây qua đường máu, từ mẹ sang con khi sinh.

Theo bác sĩ, bệnh giang mai sẽ dễ dàng chữa khỏi hoàn toàn và không có bất kỳ hậu quả nào nếu được phát hiện sớm. Trường hợp phát hiện muộn dễ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như đau đầu, đột quỵ, viêm màng não, mất thính lực; sa sút trí tuệ, mù lòa, hỏng van tim, nguy cơ nhiễm HIV cao gấp hai đến năm lần, tăng đáng kể nguy cơ sảy thai, thai chết lưu hoặc tử vong trẻ sơ sinh trong vòng một vài ngày sau khi sinh.

Ở giai đoạn đầu, người bệnh được điều trị bằng thuốc kháng sinh Penicillin hoặc doxycycline, azithromycin hoặc ceftriaxone.

Ở giai đoạn phát triển nặng, gây nhiều biến chứng về nội tạng, thần kinh, người bệnh sẽ được tiêm tĩnh mạch thuốc penicillin mỗi ngày. Trong quá trình điều trị bệnh giang mai, người bệnh cần tránh quan hệ tình dục cho đến khi những vết loét trên cơ thể lành hoàn toàn và được bác sĩ cho phép.

Đối với phụ nữ mang thai mắc giang mai, bác sĩ kê penicillin để điều trị trong suốt thời gian mang thai. Đây là phương pháp điều trị sang mai ở cả mẹ và con tốt nhất. Ở mẹ bầu, bác sĩ sẽ tiến hành tiêm một hoặc nhiều lần thuốc kháng sinh Penicillin. Việc tiêm thuốc kháng sinh này tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh. Nếu người bệnh bị dị ứng với kháng sinh sẽ phải gây tê trước khi tiêm. Chồng của bệnh nhân cũng phải xét nghiệm và điều trị giang mai nếu có quan hệ tình dục trong ba tháng gần nhất. Bệnh nhân không được quan hệ tình dục cho đến khi kết thúc thai kỳ.

Bác sĩ khuyến cáo tất cả các cặp đôi nên kiểm tra sức khỏe trước kết hôn. Thực hiện lối sống lành mạnh, chung thủy một vợ, một chồng và quan hệ tình dục an toàn (sử dụng bao cao su) để phòng ngừa bệnh lây qua đường tình dục.


Thùy An