Người đàn ông, 38 tuổi bị đau vùng bẹn trái nhiều năm, gần đây cơn đau tăng dần nên đến Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội khám.
Người bệnh cho biết, vùng bẹn trái xuất hiện một khối phồng đã nhiều năm nay, không đau tức, khối lúc xuất hiện, lúc không, dùng tay ấn vào thì khối biến mất. Do tâm lý chủ quan, khối phồng lại nằm ở vùng tế nhị nên anh ngại ngần không đi khám để điều trị.
“Đây là một trường hợp cấp cứu cần nhanh chóng can thiệp ngoại khoa để giải cứu đoạn ruột nghẹt tránh biến chứng hoại tử và phải cắt một đoạn ruột”, bác sĩ Nguyễn Hoài Bắc, Trưởng khoa ngày 7/6 cho biết.
Sau phẫu thuật, lỗ thoát vị bệnh nhân được đóng kín, thành bụng được phục hồi, đoạn ruột hồng hào và hoạt động bình thường.
Kíp bác sĩ đang tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh:
Thoát vị bẹn là tình trạng các tạng trong ổ bụng chui qua ống bẹn hay các điểm yếu của thành bụng xuống dưới vùng bìu, tạo thành một khối phồng vùng bẹn – bìu. Thoát vị bẹn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể diễn tiến thành biến chứng thoát vị bẹn nghẹt.
Thoát vị nghẹt là tình trạng cơ quan ở trong túi thoát vị bị đè ép, thắt nghẽn lại ở cổ túi, dẫn tới rối loạn chức năng, rối loạn tuần hoàn và cuối cùng là hoại tử tổ chức. Thoát vị bẹn nghẹt cần phải được chẩn đoán và xử lý nhanh chóng, bởi khoảng 6-12 tiếng các tạng (ruột, mạc nối, buồng trứng, vòi trứng) bị nghẹt sẽ bị hoại tử gây viêm phúc mạc, tắc ruột, nhiễm trùng nhiễm độc, có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân và nguy cơ phải cắt bỏ tạng bị hoại hoại tử như đoạn ruột, mạc nối, buồng trứng, tử cung…
Theo bác sĩ Bắc, bệnh nhân đến viện chậm trễ nhưng nhờ sự xử trí nhanh chóng, kịp thời của các bác sĩ đã may mắn bảo toàn được đoạn ruột bị nghẹt. Bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện các khối bất thường vùng bìu bẹn, sinh dục, đặc biệt các khối thoát vị bẹn đã được phát hiện trước đó mà không tự đẩy về phía bụng được thì không nên chủ quan, đi khám sớm để tránh những tai biến và hậu quả đáng tiếc về sau.
Thùy An